Nam bộ:
Tỉ lệ tử vong do sốt rét không giảm
(Dân trí) - TS Lê Thành Đồng, Giám đốc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, Côn trùng TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2005-2009, ở khu vực Nam Bộ-Lâm Đồng có xu hướng tăng về số ca sốt rét ác tính, số ca tử vong mặc dù chỉ số bệnh nhân sốt rét giảm.
Cụ thể, số ca sốt rét khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng năm 2009 giảm đến 50% so với năm 2005 (chỉ còn 6.771 ca). Số ca mắc sốt rét ác tính (SRAT) của năm 2009 cũng tăng 36,4% so với năm 2008 (75/55).
Các tỉnh có số bệnh nhân sốt rét và bệnh nhân SRAT tăng là Tây Ninh, An Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Ngoài ra, các tỉnh khác có số bệnh nhân sốt rét tăng là Lâm Đồng, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương.
TS Lê Thành Đồng nhận định: “Đa số các trường hợp tử vong là do nhập viện hoặc chuyển viện quá muộn. Lý do muộn này lại xoay quanh các điểm đáng quan tâm như người bệnh tự mua thuốc uống hoặc được lưu giữ tại các điểm y tế tư nhân, trạm y tế công quá lâu cũng như không được chẩn đoán xác định sốt rét dẫn đến bệnh diễn tiến nặng và tử vong”.
Theo TS Trần Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhiều địa phương chưa áp dụng phác đồ điều trị sốt rét mới mà vẫn dùng phác đồ cách đây 10 năm. Ngay cả việc phát túi thuốc cũng không có sự kiểm soát, không hướng dẫn người dân cách dùng thuốc. Do đó, dẫn đến việc sốt rét không giảm cũng như làm cho bệnh có nguy cơ tràn lan và bệnh nhân bị kháng thuốc.
Những chú ý từ 11 ca tử vong do sốt rét
- Có 4 trường hợp đến bệnh viện tư để điều trị từ 2-7 ngày, không được xét nghiệm sốt rét. Sau do bệnh nặng mới chuyển đến y tế công thì đã trễ.
- Có 4 trường hợp tự mua thuốc về nhà uống từ 2-7 ngày, do bệnh ngày càng nặng, khi đến bệnh viện thì không cứu kịp.
- Có 2 trường hợp, khi mắc bệnh đã đến trạm y tế cũng như chuyển đến bệnh viện huyện, BV tỉnh nhưng đều không được xét nghiệm sốt rét, dẫn đến tử vong vì bệnh chuyển nặng.
- Một trường hợp được chẩn đoán sốt rét ngay từ khi nhập viện nhưng vài ngày sau các kết quả xét nghiệm đều âm tính, rồi bệnh nhân tử vong, nghi do nhiễm trùng máu |
Ngọc Thanh