“Tỉ lệ mắc do EV71 tăng lên là mối nguy lớn nhất hiện nay”

(Dân trí) - Nhận định về tình hình dịch tay chân miệng, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, cái đáng lo nhất của dịch tay chân miệng hiện nay chính là tỉ lệ mắc do EV71 gây ra tăng lên bởi EV71 là tuýp gây bệnh nặng nhất.

Bên lề hội thảo tại Nha Trang cuối tuần qua, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển trao đổi với báo giới xung quang những biến đổi về dịch bệnh.
 
“Tỉ lệ mắc do EV71 tăng lên là mối nguy lớn nhất hiện nay”
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển. Ảnh: H.Hải

Thưa ông, đến nay cả nước đã có 27 trường hợp tử vong vì mắc tay chân miệng do EV71 gây nên. Ông nhận định như thế nào về con số này?

Năm nay, tất cả các ca tử vong đều được ghi nhận là do vi-rút EV71. Trong các vi-rút đường ruột gây bệnh tay miệng thì vi-rút EV 71 đóng vai trò rất quan trọng về độc lực, khả năng gây các hội chứng hội chứng thần kinh não, màng não, hội chứng hô hấp, tim mạch dẫn đến tử vong. Vai trò về tính gây bệnh, sinh bệnh nặng của EV 71 cũng rõ so với các chủng vi-rút khác. Người ta cũng thống kê nhiễm EV 71 tỷ lệ tử vong cao hơn so với nhiễm các vi-rút tay chân miệng khác.

Thực tế vụ dịch 2011 cho thấy, các ca tử vong cũng phần lớn do vi-rút EV 71 gây ra. Còn vụ dịch năm 2012, 100% ca tử vong đều đã được khẳng định là do vi-rút EV71 gây ra.

Ngoài 100% số ca tử vong do EV71 gây nên thì năm nay, số ca mắc tay chân miệng tại cộng đồng do EV71 cũng tăng lên. Ông có lý giải gì về vấn đề này?

Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tay chân miệng tại Bộ Y tế, con số được đưa ra cho thấy có sự gia tăng đáng kể các chủng gây bệnh. Vụ dịch năm 2011, số ca mắc bệnh do EV71 gây ra chỉ chiếm khoảng 20%. Năm nay, số ca mắc tay chân miệng do EV71 tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 70% tổng số dương tính với vi rút đường ruột.

Thông thường, dịch tay chân miệng tăng hay không liên quan nhiều đến các vi-rút đường ruột khác nữa. Còn vi rút EV71 thì chủ yếu gây bệnh nặng.

Hiện chúng tôi cũng đang đặt rất nhiều câu hỏi, tại sao dịch tay chân miệng bùng phát trở lại trong vài năm gần đây? Tại sao miền Bắc năm ngoái ít hơn miền Nam, năm nay lại chiếm tới gần 50% số ca mắc trong cả nước? Tại sao trước đây tay chân miệng chủ yếu do vi-rút Coxsackie còn nay lại chủ yếu là do EV71 gây ra? Và hiện chúng tôi đang nghiên cứu để trả lời cho các câu hỏi này.

Chỉ có thể khẳng định một điều, tỉ lệ EV71 tăng lên là nguy cơ lớn nhất hiện nay bởi nguy cơ gây bệnh nặng.

Thưa ông, đến nay miền Bắc đã ghi nhận khoảng 22 nghìn ca mắc tay chân miệng, chiếm gần 50% số ca mắc trong cả nước nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Trong khi đó tại miền Nam, năm nay dịch tay chân miệng giảm với gần 16 nghìn ca mắc nhưng đã có 23 (trên tổng số 27 ca) tử vong tay chân miệng. Ông có lý giải như thế nào về vấn đề này?

Đây là một câu hỏi khó hiện nay, chỉ khi nào khẳng định được đặc điểm phân tử  của vi-rút gây bệnh tay chân miệng của miền Bắc có khác đặc điểm phân tử  vi rút gây bệnh ở miền Nam hay không mới có thể trả lời chính xác.

Tuy nhiên cũng có hai lý giải về tình trạng này. Đó là có thể cấu trúc phân tử của vi-rút EV71 ở miền Bắc khác ở miền Nam. Cái này như đã nói, chưa giải trình tự gen nên chưa biết chính xác mà mới chỉ đặt ra như là một giải thiết.

Lý giải thứ hai, đó là bài học về điều trị phát hiện sớm, điều trị tốt. Phát hiện chuyển độ sớm, điều trị sớm, áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị, hồi sức cấp cứu, lọc máu giúp giảm nguy cơ tử vong do tay chân miệng gây ra.

Là viện đầu ngành về dịch tễ, tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã từng nghiên cứu giải trình tự gen vi rút gây bệnh tay chân miệng chưa, thưa ông?

Chúng tôi có nghiên cứu và phát hiện, trước năm 2008 vi-rút EV71 là các kiểu gen C5. Còn giai đoạn dịch 2011 - 2012 là kiểu gen C4. Như vậy là có sự thay đổi kiểu gen giữa hai giai đoạn.

Còn hiện tại, trước những câu hỏi đang đặt ra về dịch tay chân miệng, hiện chúng tôi đang hiện đang lập kế hoạch để giải trình tự gen của vi rút EV71.

Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến nay cả nước ghi nhận hơn 46 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 27 trường hợp tử vong. Điều đặc biệt là năm nay dịch tay chân miệng lại tăng mạnh ở miền Bắc, giảm ở miền Nam. Cụ thể, miền Bắc chiếm gần 50% số ca bệnh nhưng chưa ghi nhận ca nào tử vong. Còn tại miền Nam trong tổng số 16 nghìn ca tay chân miệng đã có 23 ca tử vong.

Tú Anh (ghi)