1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuyên tắc mạch phổi vì sao đáng sợ?

(Dân trí) - Mấy ngày nay, vụ bệnh nhân Trần Thị Là 47 tuổi, Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng, tử vong tại bệnh viên Đà Nẵng sau khi phẫu thuật chữa trị gãy chân đang làm “nóng” dư luận. Kết luận của Hội đồng giám định y khoa Sở Y tế Đà Nẵng là sự cố y khoa khả năng do thuyên tắc mạch phổi. Vậy thuyên tắc phổi là gì? Căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?

Thuyên tắc mạch phổi vì sao đáng sợ? - 1

Thuyên tắc phổi xảy ra khi khối máu đông (huyết khối), ở ngay chính trong các lòng các tĩnh mạch sâu bong ra, di chuyển theo dòng máu và đến bít tắc động mạch phổi. Đây là một cấp cứu nội khoa; cần được chẩn đoán sớm, xử trí tích cực và kịp thời.

Thuyên tắc phổi là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trong nhóm nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch tại các nước phát triển. Tử vong do thuyên tắc phổi lên tới 30% nếu bệnh không được điều trị và chiếm 15% tất cả các nguyên nhân tử vong trong bệnh viện.

Năm 1858, Rudolph Virchow đã mô tả thuyên tắc phổi liên quan tới một/ hoặc trong ba yếu tố của tam chứng Virchow, đó là: (1) Tình trạng tăng đông máu như trong ung thư, thai kỳ, sau sanh dưới 4 tuần, do đột biến gen gây thiếu protein C, protein S hay yếu tố Leyden, (2) Sự ứ trệ tĩnh mạch, như ở những bệnh nhân bất động kéo dài trên 24 giờ, hay du lịch kéo dài dễ gây ứ trệ tĩnh mạch và (3) Những tổn thương tĩnh mạch do chấn thương chi dươi hay vùng chậu cũng là yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc phổi. Càng nhiều yếu tố nguy cơ, càng tăng khả năng bị thuyên tắc phổi hay viêm tắc tĩnh mạch sâu. Sự liên quan giữa hai bệnh này đã được ghi nhận: 90% các trường hợp thuyên tắc phổi là do viêm tắc tĩnh mạch sâu ở chân; bệnh nhân có sự giảm protein C.

Chẩn đoán thuyên tắc phổi không quá khó, nhưng dễ bị bỏ sót vì bệnh cảnh lâm sàng ít khi điển hình. Có thống kê cho thấy, chỉ khoảng 10% bệnh nhân thuyên tắc phổi được chẩn đoán sớm trong vòng 60 phút sau nhập viện.

Những dấu hiệu gợi ý gồm: khó thở, hím tái, ho, khạc ra máu, đau ngực, ngất….

Để xác định thuyên tắc phổi thường dựa vào một số các xét nghiệm không xâm lấn như chụp CT cắt lớp phổi, Chụp cộng hưởng từ MRI… Tuy nhiên chụp động mạch phổi cản quang vẫn là tiêu chuẩn vàng để khẳng định chẩn đoán, với độ nhạy Se đến 90% và độ đặc hiệu Sp cao đến 95%.

Tử vong do thuyên tắc phổi cao, lên tới 30% nếu bệnh không được điều trị và chiếm 15% tất cả các nguyên nhân tử vong trong bệnh viện.

Điều trị chuẩn thuyên tắc phổi bao gồm 3 việc: (1) sử dụng thuốc kháng đông, (2) điều trị nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc phổi và (3) biện pháp phòng ngừa thuyên tắc phổi.

Thuốc tiêu huyết khối được chỉ định trong những trường hợp thuyên tắc phổi nặng. Trong một số tình huống, việc sử dụng thuốc tiêu huyết khối bị chống chỉ định. Do đó, sử dụng dụng cụ là ống thông để hút bỏ cục huyết khối trong lòng động mạch phổi nhằm cải thiện tái tưới máu phổi và trao đổi khí tại phổi đã được đề cao.

Có nhiều phương pháp điều trị cấp cứu thuyên tắc phổi, thường được dùng phối hợp: nội khoa, thủ thuật và phẫu thuật lấy huyết khối.


              Dụng cụ hút khối máu đông

Dụng cụ hút khối máu đông

Phương pháp nào là tối ưu? Tiếp tục điều trị kháng đông? Điều trị ngay với thuốc tiêu huyết khối? Phẫu thuật cấp cứu lấy huyết khối? Hay thủ thuật can thiệp lấy huyết khối bằng ống thông qua da? Chính là trăn trở của thầy thuốc !!!

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm