Thủy triều đỏ gây những tác hại gì?
(Dân trí) - “Thủy triều đỏ” là thuật ngữ thường dùng để chỉ hiện tượng nở hoa của tảo độc.
Thủy triều đỏ, hay tảo độc nở hoa, xảy ra khi các quần thể tảo – loại thực vật đơn giản sống ở biển và nước ngọt- phát triển ra khỏi tầm kiểm soát đồng thời gây ra những tác động có hại đối với người, cá, sò ốc, động vật có vú ở biển, và chim. Các bệnh ở người do “thủy triều đỏ”, mặc dù hiếm gặp, có thể gây tàn phế hoặc thậm chí tử vong.
Một trong những hiện tượng thủy triều đỏ nổi tiếng nhất xảy ra gần như vào mỗi mùa hè dọc theo bờ vịnh Florida, nước Mỹ, do các vi tảo sản sinh ra những độc tố làm chết cá và khiến việc ăn các động vật có vỏ (nghêu, sò…) trở nên nguy hiểm. Các độc tố này cũng có thể khiến không khí xung quanh rất khó thở. Như tên gọi của nó, sự nở hoa của tảo thường biến nước thành màu đỏ.
Hiện tượng “thủy triều đỏ” đáng lo ngại vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và hệ sinh thái biển, mà còn đến “sức khỏe” của nền kinh tế ở các địa phương.
Một tỷ lệ nhỏ tảo sản sinh độc tố mạnh có thể giết chết cá, động vật có vỏ, động vật có vú và chim và có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây bệnh ở người. Thủy triều đỏ cũng bao gồm sự bùng nổ của các loài không gây độc nhưng có ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển. Ví dụ, khi lượng lớn tảo chết và phân hủy, quá trình thối rữa có thể làm cạn kiệt oxy trong nước, khiến cho các loài động vật phải rời bỏ khu vực hoặc chết.
Độc tố bay hơi từ thủy triều đỏ có thể đe dọa sức khỏe về lâu dài
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Cục Khí quyển và Đại dương (NOAA), Bộ Thương mại Mỹ, trên tạp chí Environmental Health Perspectives đã cho thấy độc tố của tảo hít phải từ bụi nước biển, tấn công và gây tổn thương ADN trong phổi của chuột thí nghiệm. Các phát hiện đã chứng minh cách mà cơ thể đào thải độc tố lại vô tình biến nó thành một phân tử gây tổn thương ADN.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được rằng các độc tố brevetoxin phản ứng với ADN của mô phổi và gắn với các bazơ ADN mã hóa thông tin di truyền. Sự liên kết giữa hóa chất trong môi trường với ADN là một bước khởi đầu cho nhiều tác nhân gây ung thư và có thể dẫn đến đột biến ở những gen mà bình thường sẽ ngăn chặn sự hình thành ung thư.
Độc tố “thủy triều đỏ” – brevetoxin - từ lâu đã được thừa nhận là một nguyên nhân gây cả nhiễm độc thần kinh sau khi ăn động vật có vỏ nhiễm độc, cũng như kích ứng hô hấp sau khi hít phải bụi nước biển độc hại. Nghiên cứu đột phá này cho thấy một hình thức gây độc thứ ba, xác định rằng quá trình chuyển hóa tạo ra các hình thái phản ứng hóa học của độc tố. Nhận thức khả năng các chất chuyển hóa tấn công ADN, các nhà khoa học NOAA đã phân tích ADN sau khi độc tố đã được chuyển hóa trong phổi. Vẫn chưa xác định được liệu ADN bị tổn thương do brevetoxin sẽ tự phục hồi hay gây ra đột biến gen.
Đã có những báo cáo về brevetoxin trong không khí trong các đợt thủy triều đỏ và mức độ tiếp xúc của con người; tuy nhiên, nguy cơ sức khỏe lâu dài liên quan với hít brevetoxin vẫn cần được xác định. Những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất môi trường có khả năng bị tổn thương ADN giống như chất gây ung thư được tìm thấy trong khói thuốc lá và ô nhiễm không khí . Có thể phơi nhiễm với brevetoxin làm tăng thêm lượng AND bị biến đổi ở phổi ; một chỉ báo về nguy cơ ung thư.
Cẩm Tú
Theo NOAA