Thường xuyên phải lội mưa ngập có thể mắc bệnh gì?

(Dân trí) - Mưa lớn gây ngập không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn gieo rắc mối họa về bệnh tật, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần sử dụng áo mưa, trang phục bảo hộ hợp lý, thực hiện các biện pháp vệ sinh, bảo vệ cơ thể khi phải đi trong nước ngập.

Trong những ngày qua, mưa lớn dồn dập trút xuống TPHCM và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Thời tiết cực đoan đã gây ra ngập nặng cho thành phố, không chỉ khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn, nhiều tài sản bị nhấn chìm dưới nước, hư hại mà còn gia tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng.

Phân tích của bác sĩ (BS) Hoàng Văn Minh, Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chỉ ra vào mùa mưa, bệnh về da thường xuất hiện do việc tiếp xúc nước mưa và những vật dụng để tránh mưa. Người dân dễ bị bệnh mề đay khi tiếp xúc với nước mưa. Biểu hiện của bệnh là da bị nổi đỏ lên những mảng mề đay như cơm cháy, gây ngứa rất nhiều. Hiện tượng đỏ và ngứa kéo dài khi tiếp xúc trực tiếp với nước mưa và sau khi tiếp xúc nước mưa khoảng 1 đến 2 giờ. Bệnh lý này sẽ tự hết nhưng khi người bệnh tiếp xúc với nước mưa thì bệnh sẽ bị trở lại.

Lội trong mưa ngập có thể gây nên các bệnh da liễu
Lội trong mưa ngập có thể gây nên các bệnh da liễu

Ngoài ra người dân cũng sẽ đối mặt với viêm da do tiếp xúc. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngoài khí CO2 tăng lên, trong không khí còn có bụi bặm, khí độc, vi sinh… Khi những chất này kết hợp với nước mưa bám trên da sẽ làm kích ứng ngoài da gây ra tình trạng chàm tiếp xúc. Biểu hiện bệnh làm da đỏ lên và ngứa, nếu nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước.

Các bệnh về da do sử dụng áo mưa cũng sẽ gia tăng khi những phần cơ thể tiếp xúc với áo mưa hoặc áo mưa che phủ bị ẩm ướt. Nếu dầm mưa lâu, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi khiến da bị ẩm ướt, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho những loại bệnh lý nấm, ghẻ trên người bệnh nặng thêm, gây ngứa và lan ra những vùng khác trên cơ thể.

Bệnh viêm kẽ hoặc hăm kẽ sẽ xảy ra ở những người bị béo phì tại các vị trí nếp dưới vú, nách, bẹn. Mặt khác khi đi trong mưa ngập, vùng da ở bàn chân sẽ bị ảnh hưởng, mức độ nguy hại sẽ gia tăng với những mang giày bít, vớ bằng len ướt, ẩm sẽ dẫn đến bùng phát nhanh tình trạng nấm kẽ ở bàn chân. Tình trạng nhiễm trùng, bội nhiễm trên những người bệnh có sẵn các bệnh lý như chàm ở bàn chân, vết thương khó lành ở người bệnh đái tháo đường, người bị bệnh viêm mạch hoại tử bàn chân.

Nguyên nhân gây ra các bệnh lý kể trên là do nguồn nước ngập trên đường đi bởi ngoài nước mưa còn có nước cống, nước thải của người và súc vật. Bên cạnh đó, tình trạng lớp sừng bảo vệ của da sau khi ngâm nước giãn nở, tạo điều kiện cho các tác nhân này thâm nhập qua da gây nhiễm trùng, nhiễm nấm thậm chí gây ra bệnh ký sinh trùng như ấu trùng di chuyển, gây tổn thương da.

Để đối phó với tình trạng mưa ngập, tránh nguy hiểm cho bản thân, bác sĩ Hoàng Minh khuyến cáo những người bị bệnh nấm bàn chân do mang giầy dép ướt hoặc do lội trong nước mưa lâu, biện pháp tốt nhất là tránh lội nước. Nếu buộc phải ra đường trong thời tiết mưa ngập thì không nên mang giày bít, không nên mang vớ mà nên đi dép, đi giày xăng đan, nếu phải mang vớ thì nên mang vớ cotton sẽ giảm tác hại hơn so với vớ len.

Khi đi mưa về, bàn chân phải rửa sạch bằng xà phòng và chỉ rửa qua 1 lần hoặc tối đa 2 lần là đủ, tránh sử dụng chất xà phòng hoặc chất sát khuẩn ở da quá nhiều, lặp đi lặp lại ở nồng độ cao sẽ gây ra tình trạng viêm da kích ứng, nhẹ thì sẽ gây đỏ, nặng thì da sẽ bị mụn nước. Khi rửa chân nên rửa bằng nước ấm, sau khi rửa phải lau khô kẽ chân.

Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc sát trùng ở ngoài da nên lưu ý tiền căn người dùng có bị dị ứng hay không. Chất sát trùng ngoài da có thể sử dụng như I-ốt, dung dịch màu... là chất sát trùng rất tốt, có tác dụng điều trị diệt siêu vi, nấm, vi trùng nhưng lại dễ gây dị ứng da. Cần tránh rửa chân trong nước nhiều lần hoặc ngâm chân trong lâu nước sạch. Chỉ nên rửa chân bằng nước ấm và bôi thuốc sát trùng 10 phút sau khi rửa chân để có tác dụng tốt nhất.

Theo BS Minh, những bệnh lý về da do mặc áo mưa thì tốt nhất nên sử dụng áo mưa làm bằng các loại vải mát, thông thoáng, cản nước tốt và chỉ mặc những lúc cần thiết. Nếu trời bớt mưa thì nên cởi áo mưa, không nên mặc trong một thời gian dài vì dễ gây tăng tiết mồ hôi, nóng nực dẫn đến những bệnh kể trên.

Đối với da đầu, khi tiếp xúc với nước mưa mà đội nón bảo hiểm trong thời gian lâu thì sẽ dễ tạo điều kiện cho nấm trên da đầu dễ phát triển. Người lớn thì bị gàu, trẻ em thì bị nấm da đầu. Do đó, sau khi đi mưa về cần lưu ý gội đầu sạch sẽ, phơi khô nón, quần áo để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Vân Sơn