1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thương mại hóa để xóa thế độc quyền Bảo hiểm Y tế

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc thương mại hóa, mời gọi các đơn vị liên quan tham gia Bảo hiểm Y tế là xu hướng mới phù hợp với thực tế.

Thương mại hóa để xóa thế độc quyền Bảo hiểm Y tế - 1
Người dân đang được hưởng lợi từ các chính sách bảo hiểm Y tế

Chính sách Bảo hiểm Y tế được ban hành từ 2002 sau nhiều lần bàn thảo, năm 2008 Luật Bảo hiểm Y tế được Quốc Hội thông qua. Mục tiêu bao phủ Bảo hiểm Y tế toàn dân là chính sách tài chính quang trọng, đưa Việt Nam tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Kể từ khi Luật ra đời đến nay, đã có những tác động tích cực đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Năm 2014, Luật Bảo hiểm Y tế được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, sau thời gian dài triển khai, Bảo hiểm Y tế đang bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, vận hành, xuất hiện những “nút thắt” khó tháo gỡ giữa đơn vị quản lý quỹ và đơn vị cung cấp dịch vụ. Những vấn đề trên đang tác động tiêu cực đến quyền lợi của người bệnh tham gia dịch vụ bảo hiểm.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Với cơ chế tự chủ của hệ thống y tế công lập, nguồn tài chính làm công cụ cho các bệnh viện tự chủ về mặt tài chính là Bảo hiểm Y tế. Để thu hút người bệnh, các bệnh viện đang đổi mới về y đức, phát triển chuyên môn, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân. Tuy nhiên, người bệnh và đơn vị cung cấp dịch vụ đang gặp những khó khăn nhất định liên quan đến chính sách Bảo hiểm Y tế”.

Các cơ sở khám chữa bệnh muốn áp dụng Luật Bảo hiểm Y tế nhưng phải chờ nhiều văn bản dưới luật, văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội. Không chỉ chậm trễ trong việc ban hành, các văn bản dưới luật của Bảo hiểm Xã hội còn gây khó hiểu về mặt quy phạm pháp luật của Bộ Y tế với những đơn vị chi trả bảo hiểm, gây khó khăn cho các cơ sở y tế.

Thương mại hóa để xóa thế độc quyền Bảo hiểm Y tế - 2

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục của Bảo hiểm Y tế

Mặt khác, một số chính sách liên quan đến quỹ bảo hiểm, trần bảo hiểm, tạm ứng, quyết toán… nhiều đơn vị phải chờ quyết toán xong mới có tiền. Việc quyết toán tốn nhiều thời gian, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bị nợ đọng Bảo hiểm Y tế kéo dài gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn.

Bên cạnh đó, một số hạn chế cũng xuất phát từ chính người bệnh và cơ sở y tế, gây thất thoát quỹ Bảo hiểm Y tế. Với sự phát triển của bảo hiểm bao phủ toàn dân, một số người đã lợi dụng thời điểm công nghệ thông tin, chính sách thông tuyến chưa theo kịp thực tế đi khám bệnh ở nhiều cơ sở y tế, trục lợi thuốc bảo hiểm. Một số cơ sở y tế đã chỉ định quá mức về xét nghiệm, kê toa các loại thuốc chưa đúng quy định để trục lợi từ Bảo hiểm Y tế.

Từ thực tế trên, đại diện Bộ Y tế cho rằng, chính sách bảo hiểm cần có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Trong bối cảnh nhu cầu của người bệnh ngày càng đa dạng, cần thay đổi Luật Bảo hiểm Y tế để thông qua chính sách bảo hiểm gồm: gói bảo hiểm cơ bản; gói bảo hiểm bổ sung đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thương mại hóa để xóa thế độc quyền Bảo hiểm Y tế - 3
Luật bảo hiểm Y tế cần "lột xác" để mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân trong tình hình mới

Để thực hiện được mục tiêu trên, cần thực hiện liên doanh, liên kết với các đơn vị để cung ứng dịch vụ bảo hiểm, từ đó mở rộng những gói chăm sóc chất lượng cao cho cộng đồng. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, cần phải có giải pháp kiểm soát hiệu quả chi phí liên quan đến Bảo hiểm Y tế với sự tham gia của các đơn vị bảo hiểm thương mại để tránh thất thoát quỹ cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, gia tăng các bệnh mạn tính không lây, Bảo hiểm Y tế cần thay đổi theo hướng dự phòng, tập trung vào nhóm người đang khỏe mạnh trong xã hội nhưng có nguy cơ bệnh lý tăng huyết áp nhẹ, tiểu đường, rối loạn tâm thần, viêm phổi tắc nghẽn… Đây là chiến lược quan trọng góp phần phát hiện bệnh, điều trị sớm, giảm tải cho các bệnh viện từ đó giảm gánh nặng chi trả của Bảo hiểm Y tế nhưng vẫn nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.

Dự kiến sau khi nghiên cứu, thu thập tài liệu, đánh giá kết quả khảo sát các đề xuất mới, những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi sẽ được trình Chính phủ vào tháng 10/2020.

Vân Sơn