Thuốc tránh thai khẩn cấp: Dùng thế nào cho an toàn?

Người mua thuốc tránh thai khẩn cấp thường là nam nhưng người dùng lại là nữ, trong đó không ít trường hợp còn trẻ, chưa lập gia đình. Việc dùng thuốc tránh thai khẩn cấp vì thế thường không được tư vấn kỹ nên dễ có những sai sót.

Các loại thuốc ngừa thai khẩn cấp

 

Loại trong thành phần chỉ có một chất levonorgetrel: Levonorgetrel (một loại progestogen) ức chế sự rụng trứng, ức chế trứng bám vào niêm mạc tử cung. Trong loại này có hai nhóm:

 

- Nhóm hàm lượng cao: Mỗi viên chứa 0,75mg levonorgetrel. Biệt dược thường dùng Postinor Postinor-2, còn có các tên khác (lovonelle-2, norievo, plan B). Sau khi giao hợp trong vòng 8 tiếng uống 1 viên và 8 tiếng sau uống thêm 1 viên nữa.

 

- Nhóm hàm lượng thấp: mỗi viên chỉ chứa 0,03mg levonorgetrel. Sau khi giao hợp trong vòng 8 giờ uống 25 viên và 8 giờ sau uống thêm 25 viên nữa.

 

Loại trong thành phần có levonorgetrel + ethynilestradiol (một loại estrogen tổng hợp). Trong loại này có:

 

- Nhóm hàm lượng cao: mỗi viên chứa 50 mg ethynilestradiol + 0,25mg hoặc 0,5mg levonorgetrel. Biệt dược thường dùng orval, còn có các tên khác (ovidon, noral, nordion, neogynon). Sau khi giao hợp trong vòng 72 giờ  uống 2 viên; 12 giờ sau khi uống liều đầu, uống thêm 2 viên nữa.

 

- Nhóm hàm lượng thấp: mỗi viên chứa 30mg ethynilestradiol + 0,15mg hoặc 0,3mg levonorgetrel, biệt dược thường dùng regevidon (choice), còn có tên khác (nordette oval L). Sau khi giao hợp trong vòng 72 giờ  uống 4 viên; 12 giờ sau khi uống liều đầu, uống thêm 4 viên nữa.

 

Dùng thế nào cho an toàn?

 

Sự khác nhau về thành phần giữa hai loại dẫn đến sự khác nhau về thời điểm và thời gian dùng thuốc. Ngoài  ra, trong cùng một loại, cũng có sự khác nhau về hàm lượng dẫn đến khác nhau về lượng dùng (tính theo viên) nên rất dễ  nhầm lẫn. Cần phải biết rõ loại đang dùng và hàm lượng của các biệt dược để dùng đúng thời điểm, thời gian và quy ra lượng viên cần phải dùng.

 

Thuốc ngăn sự rụng trứng và sự bám của trứng trực tiếp nên dùng càng sớm càng tốt. Ví dụ với viên postinor, nếu chỉ giao hợp một lần thì 1 giờ hoặc chậm nhất là 4 giờ sau giao hợp uống 1 viên là đủ nên viên này được gọi là “viên tránh thai liều duy nhất”. 

 

Thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả không cao lắm (khoảng 75%). Hiệu quả càng giảm đi khi dùng nhiều lần. Thuốc gây một số tác dụng phụ như làm rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết, nhức đầu, chóng mặt. Một  tác dụng phụ có khoảng 50% người dùng gặp là buồn nôn, nôn, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thuốc. Nếu sau khi uống chưa đầy 2 giờ mà bị nôn thì phải uống bù ngay số thuốc đó và tiếp tục dùng đủ liều còn lại. Nếu sau khi uống quá 2 giờ mới nôn thì không cần phải uống bù. Uống không đủ lần (hai lần), không đủ liều (do bị nôn mà không uống bù), không đúng thời điểm thời gian (do quên) thì thuốc sẽ không có hiệu  quả.

 

Khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần sẽ có hiện tượng căng ngực (do thuốc giữ nước, do tác dụng của hormon nữ), ngừng dùng sẽ hết, chứ không làm ngực phát triển vì thế không nên dùng thuốc với hy vọng làm cho ngực nở nang.

 

Ảnh hưởng của viên thuốc tránh thai khẩn cấp trên nguy cơ ung thư, bệnh lý ác tính chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên giống như các thuốc tránh thai khác, chúng có thể là tiền đề gây ra hoặc làm nặng thêm những bệnh này nên có một số khuyến cáo. Ví dụ như không dùng viên  postinor cho người có tiền sử ung thư vú, buồng trứng, tử cung, người xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân, người có bệnh gan thận; rất cẩn thận khi dùng cho người có tiền sử hen suyễn, người cao huyết áp, nhức nửa đầu, động kinh, tăng lipid máu, trầm cảm, viêm tĩnh mạch huyết khối kéo dài.

 

Khi dùng đồng thời với các kháng sinh ampicilin, tetracyclin, chloramphenicol, neomycin, rifampicin,  thuốc ngủ barbuturic thì hiệu quả ngừa thai bị giảm sút.

 

Do những nguyên nhân nói trên chỉ nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp cho người khỏe mạnh (không có các bệnh trên) và chỉ dùng không quá 4 lần trong một tháng.

 

Thuốc này dùng cho những cặp vợ chồng lớn tuổi ít giao hợp hay vợ chồng thường ở xa nhau, gặp gỡ ngẫu hứng; dùng khi các biện pháp tránh thai khác bị trục trặc đột xuất (như dùng bao cao su bị rách, quên dùng thuốc tránh thai hằng ngày nhưng không bù kịp, tính sai ngày giao hợp an toàn, vòng tránh thai bị tụt) hoặc dùng trong những trường hợp bắt buộc như bị cưỡng hiếp. Hiện không ít người chưa  lập gia đình, đang tuổi vị thành niên muốn thoải mái cũng tự tìm dùng thuốc này. Ích lợi là giảm bớt tình trạng có thai trước hôn nhân nhưng nếu lạm dụng sẽ có hại do tác dụng phụ của thuốc, do tạo ra tâm lý không tốt trong đời sống vợ chồng sau này.

 

Ngoài ra, còn có một loại thuốc tránh thai khẩn cấp khác là mifepristone (gọi tắt là RU 486). Thuốc này phá vỡ sự làm tổ của trứng, nên dù sự thụ tinh có xảy ra thì cũng không giữ được. Thuốc được xem như một “phát kiến tuyệt vời” lưu hành rộng rãi ở Anh, Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc... nhưng ở một số nước mà việc phá thai còn bị cấm hay còn đang tranh cãi như ở Mỹ thì lại chưa được chấp nhận. Nước ta chưa chính thức nhập thuốc này, nếu có chỉ là thuốc ngoài luồng (do người đi nước ngoài mang về).

 

Trong một số trường hợp dùng thuốc tránh thai khẩn cấp là cần thiết nhưng không nên dùng thường xuyên, càng không nên lạm dụng

 

Theo DS. Hồ Hạnh Lâm

Sức khỏe & Đời sống