1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc tiêu sợi huyết gây biến chứng khiến bệnh nhân suýt mất mạng

(Dân trí) - Chuyển viện cấp cứu trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc” bác sĩ xác định bệnh nhân bị biến chứng sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết điều trị nhồi máu não. Thuốc tiêu sợi huyết là cứu tinh cho bệnh đột quỵ nhưng cũng có thể mang đến tai họa khi gây nên biến chứng.

Đó là trường hợp nam bệnh nhân Trần Thanh T. (63 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Thông tin từ con gái người bệnh cho hay: “Hơn 1 tuần trước, bố tôi có dấu hiệu bị chóng mặt, tê nửa người bên phải cảm giác như bị chuột rút thoáng qua khi đang đi làm rẫy và tự khỏi sau đó vài phút. Tuy nhiên, do chủ quan ông không đi khám bệnh, cơn đột quỵ đã xảy ra thình lình trong giấc ngủ”.

Bệnh nhân được gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu lúc nửa đêm với biểu hiện liệt nửa người bên phải nhưng tri giác hoàn toàn tỉnh táo. Sau thăm khám bác sĩ chẩn đoán, ông Thanh T. bị nhồi máu não cấp và chỉ định truyền thuốc tiêu sợi huyết (rTPA). Sau truyền thuốc, bệnh nhân hồi phục ngay vận động nửa người bên phải.

Thuốc tiêu sợi huyết gây biến chứng khiến bệnh nhân suýt mất mạng - 1

Bệnh nhân bị biến chứng nặng sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết

Tưởng đã tai qua nạn khỏi, nhưng khoảng 2 giờ sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đột ngột nhức đầu dữ dội, bứt rứt, huyết áp tăng vọt rồi rơi vào hôn mê. Sau khi chụp CT-Scan sọ não, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chuyển dạng xuất huyết nặng do biến chứng sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy, theo dõi tại khoa Chăm sóc Tích cực nhưng diễn tiến bệnh mỗi ngày một nặng.

“Còn nước còn tát” gia đình quyết định chuyển bệnh nhân lên TPHCM tìm cơ hội điều trị. Cùng với hoạt động chuyển viện cấp cứu, các thông tin hồ sơ bệnh án của người bệnh được gửi đến bác sĩ. Khi vào Bệnh viện Quốc tế City, bệnh nhân trong tình trạng thở máy, hôn mê sâu (chỉ số Glasgow 5-6 điểm). Sau cuộc hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ xác định, đây là trường hợp bị biến chứng chuyển dạng xuất huyết nặng sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị nhồi máu não cấp.

Kết quả chụp CT não cho thấy bệnh nhân bị máu tụ trong não lớn ở thái dương, chẩm, đính phải, kèm phù não quanh thương tổn; thoát vị não dưới liềm; thoát vị thái dương phải; nghi có giảm đậm độ ở cầu não, theo dõi thiếu máu nuôi não. Xét nghiệm tiền phẫu xác định lượng fibrinogen trong máu giảm nặng dưới 1g/L do tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết.

Thuốc tiêu sợi huyết gây biến chứng khiến bệnh nhân suýt mất mạng - 2

Sau phẫu thuật, chăm sóc, điều trị tích cực sức khỏe của ông Thanh T. đã bình phục tốt

Bệnh nhân được truyền kết tủa lạnh khôi phục chức năng đông máu sau đó phẫu thuật khẩn mở sọ lấy máu tụ và mở nắp sọ vùng thái dương đính phải giải áp. Sau 1 giờ khẩn trương, các bác sĩ đã thực hiện thành công việc can thiệp cho người bệnh. Bệnh nhân được theo dõi hậu phẫu, chăm sóc tích cực để hạn chế biến chứng xuất huyết. Sau 14 ngày hôn mê sâu, tri giác bệnh nhân dần bình phục. Ngày 21/5, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, yếu nhẹ nửa người bên phải, ăn uống tốt, đi lại được.

BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó giám đốc Y khoa bệnh viện khuyến cáo: nguy cơ đột quỵ não có thể xảy ra không trừ ai, tỷ lệ xảy ra sẽ tăng theo độ tuổi và trên bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh lý tim mạch khác. Một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua như bị tê hay yếu một cánh tay, tê nửa người, méo miệng, nói khó, nuốt khó… bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh để được can thiệp, điều trị kịp thời, ngăn chặn nguy cơ đột quỵ đe dọa tính mạng.

Cũng theo BS Mỹ Vân: “Sự ra đời của thuốc tiêu sợi huyết (Recombinant Tissue Plasminogen Activator) như một vị cứu tinh giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não. Tuy nhiên, thuốc tiêu sợi huyết chỉ thực sự cứu mạng bệnh nhân khi được sử dụng đúng chỉ định. Biến chứng nặng nề nhất gây chết người sau sử dụng tiêu sợi huyết là chuyển dạng xuất huyết não vì vậy thuốc chỉ được phép sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu cơ sở y tế không đủ các điều kiện xử lý khi có biến chứng xuất huyết thì nên cẩn trọng khi quyết định dùng thuốc”.

Vân Sơn