Thuốc nội vẫn khó “chen chân” vào bệnh viện
(Dân trí) - Sau 4 năm triển khai Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại tuyến tỉnh đã đạt 35,4%, tuyến trung ương chỉ đạt khoảng 10%. Mục tiêu sử dụng 30% thuốc nội ở bệnh viện tuyến trên có quá xa vời khi năm 2020 đang đến gần?
Chỉ cần dùng thuốc hạ sốt nội đã “đỡ lắm”!
Tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát động triển khai giai đoạn 2 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” diễn ra ngày 12/5, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, thuốc nội đáp ứng được 50% nhu cầu khám chữa bệnh.
Sau 4 năm thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến tỉnh đạt 35,4%, tăng 1,5% so với thời điểm trước khi triển khai Đề án.
Đặc biệt tại tuyến huyện, tỉ lệ sử dụng thuốc nội tăng gần 8% so với trước, lên 69,4%. Tuy nhiên tại tuyến Trung ương, thuốc nội khó “chen chân”, chỉ đạt 10%, thậm chí còn có xu hướng giảm.
Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Hậu Giang, ở bệnh viện tuyến Trung ương, tỉ lệ sử dụng thuốc nội càng ít vì ở đây tiếp nhận toàn bệnh nhân nặng. “Chúng ta phải chấp nhận điều đó, bệnh nặng thì cần phải dùng thuốc đặc trị”, bà Nga nói.
Nhưng với mục tiêu đạt 30% tỉ lệ sử dụng thuốc nội trong bệnh viện tuyến trung ương vào năm 2020, bà Nga lại đánh giá là khả thi, nhưng cơ bản vẫn là các nhóm thuốc thông thường, bởi để nghiên cứu 1 sản phẩm đặc trị đâu phải ngày 1, ngày 2 là làm được.
“Tôi cho rằng hoàn toàn có thể. Tôi chỉ ví dụ, vào bệnh viện, dù là bệnh gì thì dấu hiệu sốt là phổ biến. Chỉ cần bệnh viện chịu dùng hạ sốt bằng thuốc nội đã đỡ rồi. Việc thuốc nội có vào được bệnh viện hay không phụ vào truyền thông, kê đơn của bác sĩ và người bán thuốc giới thiệu. Vậy phải làm sao để bác sĩ có niềm tin vào chất lượng thuốc nội mới đủ tự tin kê cho bệnh nhân”, bà Nga nói.
Cùng quan điểm này, ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho hay, thuốc Việt đến tay người tiêu dùng nhiều hơn ở thị trường bán lẻ, còn rất khó để vào viện công.
Theo ông Mã, có tình trạng này là do luật đấu thầu của Việt Nam còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng. Vì thế, nhiều thuốc nội không thể cạnh tranh được về giá khi đấu thầu vào bệnh viện.
“Để ra một sản phẩm tốt, chi phí đầu tư cho chất lượng rất tốn kém, từ chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu khoa học, đảm bảo hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, đồng bộ. Đặc biệt, để thuốc nội vào được bệnh viện tuyến cuối, là nơi điều trị bệnh nhân nặng, thuốc đặc trị, các doanh nghiệp dược Việt Nam càng phải hướng đến tiêu chuẩn cao nữa. Vì thế, trong tính điểm kỹ thuật đấu thầu, Bộ Y tế dù có điểm số khuyến khích cho các sản phẩm ngôi sao thuốc Việt, Đạt tiêu chuẩn GACP… nhưng những sản phẩm của doanh nghiệp Việt vẫn rất khó cạnh tranh về giá trong quá trình đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế”, ông Mã đưa ra đánh giá.
Thầy thuốc vẫn băn khoăn khi chọn thuốc nội
Theo TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tại viện tỷ lệ sử dụng thuốc nội lên đến 45,2%.
“Để đạt được tỉ lệ sử dụng thuốc nội này, bệnh viện đã phải rất quyết liệt, nhất là tâm lý người bệnh, thậm chí một bộ phận thầy thuốc vẫn băn khoăn trong sử dụng thuốc nội”, TS Tiệp chia sẻ.
Theo đó, BV đã phải xây dựng nhiều phác đồ điều trị; Tổ dược lâm sàng thường xuyên tham gia hội chẩn cùng các bác sĩ điều trị; Kiểm tra thường xuyên kê đơn của bác sĩ…Với mục tiêu ưu tiên thuốc nội, chỉ kê đơn thuốc ngoại khi người bệnh thật sự cần, nhất là thuốc kháng sinh.
Đánh giá về Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định Đề án đã mang lại nhiều thành quả ban đầu. Theo đó từng bước thay đổi dần quan niệm của người dân, cán bộ y tế trong sử dụng thuốc nội. Tỉ lệ sử dụng thuốc nội tuyến huyệt tăng từ 61% lên 69%; tuyến tỉnh tăng từ 31% lên 35%; tuyến trung ương tăng từ 11% lên 13%.
Tại tuyến Trung ương, tỷ lệ sử dụng thuốc nội còn khá thấp như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương (3,14%); Bệnh viện Bạch Mai (3,97%); Bệnh viện Việt Đức (5,87%)… vẫn chưa như mong đợi, bởi đây là những bệnh viện tuyến cuối, điều trị chuyên khoa.
Tuy nhiên, ông Cường cũng đánh giá, trở ngại lớn nhất khi thực hiện đề án, đó là việc kê thuốc là do bác sĩ và quyết định của bệnh nhân. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng thuốc, nhiều bác sĩ cũng còn những băn khoăn.
Ông Cường cho rằng trong giai đoạn 2 Đề án này sẽ có nhiều khởi sắc. Bởi bên cạnh việc tiếp tục triển khai những văn bản trong đó ưu tiên sử dụng thuốc trong nước và có những truyền thông đến bác sĩ, thầy thuốc để bác sĩ thầy thuốc tăng cường kê đơn, bản thân các Doanh nghiệp cũng phải “hữu xạ tự nhiên hương”, tăng cường cho đầu tư, tăng cường cho cải cách mẫu mã và tăng cường cả chất lượng để cho các bác sĩ, thầy thuốc yên tâm sử dụng.
“Bộ Y tế cũng rất là ủng hộ và kêu gọi các cộng đồng các bác sĩ, các hội đồng chuyên môn trong ngành y tế luôn ý thức, ưu tiên thuốc nội trong quá trình đấu thầu, trong quá trình sử dụng lựa chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân”, ông Cường khẳng định.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chú trọng chỉ đạo các cơ sở y tế động viên đội ngũ bác sĩ, nêu cao y đức, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê đơn, sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, thông qua ký cam kết bằng những chương trình vận động và số liệu cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao chất lượng thuốc nội, tăng cường marketing quảng bá thương hiệu.
Theo mục tiêu giai đoạn 2 của Đề án ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt ra, đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% tại các bệnh viện tuyến Trung ương, 50% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 75% ở bệnh viện tuyến huyện.
Hồng Hải