Thuốc mới cho bệnh nhân HIV: 1-2 tháng mới dùng một lần

Hồng Hải

(Dân trí) - Với thuốc truyền thống, bệnh nhân HIV uống mỗi ngày. Với thuốc mới, bệnh nhân 1-2 tháng dùng một lần. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đây là cơ hội để bệnh nhân HIV có thêm lựa chọn thuốc điều trị.

Tại hội thảo "Tính khả thi và chấp nhận thuốc kháng virus tác dụng kéo dài trong điều trị và dự phòng HIV tại Việt Nam" diễn ra ngày 6/6 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) tổ chức, PGS Phạm Thị Thu Hương cho biết, các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài là những sáng kiến mới nhất trong điều trị và dự phòng HIV.

Cụ thể, trong dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), 2 loại thuốc mới đã có trên thế giới bao gồm thuốc cabotegravir dạng tiêm tác dụng kéo dài (CAB-LA) và vòng đặt âm đạo có chứa dapivirine (DPV-VR).

Với điều trị HIV, thuốc tiêm tác dụng kéo dài có chứa cabotegravir kết hợp rilpivirine (CAB/RPV) đã có mặt ở một số quốc gia như một phương pháp điều trị thay thế cho thuốc uống (ARV).

Thuốc mới cho bệnh nhân HIV: 1-2 tháng mới dùng một lần - 1

Ông Minesh Shah đánh giá, thuốc tiêm kháng virus HIV có tác dụng kéo dài, sẽ mang đến cơ hội mở rộng các lựa chọn trong dự phòng và điều trị HIV (Ảnh: M.H).

Ông Minesh Shah - Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đạt được thành công lớn với thuốc ARV đường uống. Thuốc này đã được chứng minh là dung nạp tốt, an toàn và hiệu quả cao, ức chế tải lượng virus và sử dụng thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Trong khi đó, với thuốc tiêm kháng virus HIV có tác dụng kéo dài, sẽ mang đến cơ hội mở rộng các lựa chọn trong dự phòng và điều trị HIV, giúp người bệnh giảm những bất lợi, khó khăn khi phải dùng thuốc uống hàng ngày.

Ông Minesh Shah thông tin thêm, các thử nghiệm quốc tế có quy mô lớn gần đây đã phát hiện ra là các thuốc ARV dạng tiêm tác dụng kéo dài có thể đạt hiệu quả cao khi sử dụng cho cả dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị HIV.

CAB-LA và DPV-VR được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng cho PrEP với chiến lược lấy con người làm trung tâm. Theo đó, các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài có tác dụng quan trọng giúp người dùng vượt qua những khó khăn khi phải uống thuốc hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thuốc mới cho bệnh nhân HIV: 1-2 tháng mới dùng một lần - 2

PGS Phan Thị Thu Hương cho rằng, thuốc tiêm ARV tác dụng kéo dài mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh, khi chỉ dùng 1-2 tháng một lần, thay vì uống thuốc hàng ngày (Ảnh: M.H).

PGS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá: "Đây là phác đồ điều trị rất tiện lợi cho các bệnh nhân. Bởi với thuốc ARV tiêm tác dụng kéo dài, người bệnh chỉ dùng mỗi tháng một lần hoặc hai tháng một lần thay cho việc thuốc uống hàng ngày".

Điều này có thể giúp cải thiện tuân thủ điều trị đối với một số bệnh nhân và có thể cải thiện chất lượng sống cho những người mệt mỏi vì uống thuốc mỗi ngày. Người dùng ARV qua đường tiêm có thể bớt lo sợ về việc vô tình tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình.

Ông Todd Pollack - Giám đốc Y khoa của HAIVN cho hay các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài có tác dụng quan trọng giúp người dùng vượt qua những khó khăn khi phải uống thuốc hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Thuốc mới cho bệnh nhân HIV: 1-2 tháng mới dùng một lần - 3

Ông Todd Pollack, Giám đốc Y khoa của HAIVN (Ảnh: M.H).

Phác đồ ART tiêm tác dụng kéo dài đầu tiên gần đây đã được phê duyệt sử dụng ở một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ vào năm 2021 nhưng hiện chưa được phê duyệt để sử dụng hoặc sẵn có tại Việt Nam.

Vì vậy, ông Todd Pollack cho rằng các kết quả của nghiên cứu sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết kế các chính sách và các lựa chọn cung cấp dịch vụ các thuốc ARV tác dụng kéo dài hiệu quả như một cách tiếp cận bổ sung giúp kiểm soát dịch HIV.

Theo bà Hương, dựa trên những nghiên cứu ban đầu và căn cứ vào thực tiễn, các tổ chức quốc tế đang vận động để giúp Việt Nam có thể sửa Hướng dẫn quốc gia về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS để đưa các thuốc mới này vào danh mục thuốc điều trị từ nguồn của bảo hiểm y tế để giảm giá thành thuốc cho người sử dụng.

Tại Việt Nam, nghiên cứu thu thập quan điểm, ý kiến của người dùng và nhân viên y tế đối với tính khả thi và chấp nhận thuốc kháng virus tác dụng kéo dài  được thực hiện ở 4 tỉnh/thành phố vào năm 2022 bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM và Bình Dương.

Kết quả cho thấy, 96% người có HIV chắc chắn hoặc có thể sẽ sử dụng thuốc ARV tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 85% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc ARV uống nếu được lựa chọn.

92% nhóm MSM và người chuyển giới nữ chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng thuốc PrEP tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 81% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc PrEP uống nếu được lựa chọn.

Với thuốc tiêm PrEP tác dụng kéo dài, 87% phụ nữ bán dâm chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng thuốc PrEP tiêm nếu thuốc có ở Việt Nam.

Với vòng âm đạo PrEP, 53% phụ nữ bán dâm chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng vòng âm đạo PrEP tác dụng kéo dài nếu vòng sẵn có và 37% ưu tiên dùng vòng âm đạo so với thuốc PrEP uống nếu được lựa chọn.

Trong khi đó, phần lớn nhân viên y tế đánh giá thuốc mới có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.