Thuốc lá giết 8 triệu người mỗi năm, tăng nguy cơ nặng khi mắc Covid-19

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, người hút thuốc lá dễ mắc Covid-19 và khi mắc có nguy cơ diễn biến nặng hơn người không hút thuốc.

Dễ mắc Covid-19 khi hút thuốc

Tại cuộc họp cung cấp thông tin nhân Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá từ ngày 25 đến 31/5, PGS.TS Lương Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, hút thuốc lá làm lây truyền Covid-19 trong cộng đồng.

Thuốc lá giết 8 triệu người mỗi năm, tăng nguy cơ nặng khi mắc Covid-19 - 1

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hút thuốc làm tăng cường nguy cơ lây truyền Covid-19 trong cộng đồng.

Nguy cơ này cao hơn ở người bình thường, bởi người hút thuốc có thói quen và hành động đưa tay lên miệng cầm điếu thuốc, sử dụng chung dụng cụ hút thuốc (như ống hút thuốc lào). Bên cạnh đó, người hút thuốc nếu mắc Covid-19 dễ chuyển biến nặng do thuốc lá gây tác hại về tim mạch, hô hấp.

Lý giải vấn đề này, GS.TS Ngô Quý Châu, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết: "Tác hại của thuốc lá rất rõ ràng, gây hại cho toàn bộ cơ thể. Ngoài thuốc lá truyền thống như thuốc điếu, thuốc lào, việc hút thuốc lá điện tử cũng gây hại tương đương".

Thuốc lá giết 8 triệu người mỗi năm, tăng nguy cơ nặng khi mắc Covid-19 - 2
GS.TS Ngô Quý Châu

Giải thích mối liên quan giữa hút thuốc lá và Covid-19, GS Châu dẫn chứng, vào tháng 2/2020, CDC Hoa Kỳ đưa ra báo cáo, có 2807 ca liên quan bệnh phổi nặng do hút chế phẩm thuốc lá mới. Trong đó, có 68 người chết do tổn thương viêm phổi nặng cấp.

"Những người hút thuốc lá, trên nền có bệnh phổi khi mắc Covid-19 nguy cơ càng cao", GS Châu nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Hơn 7 triệu ca tử vong này là do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu là do những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của Hội đồng Các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại virus corona và các bệnh khác. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm Covid-19. Những nghiên cứu đã công bố cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc Covid-19.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đưa ra dẫn chứng, nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy những người hút thuốc khi nhiễm nCoV có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường.

Thuốc lá điện tử độc hại cho sức khoẻ

Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, cho biết hiện nay xuất hiện nhiều quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Thông điệp quảng cáo là "sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường". Các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị sản phẩm thuốc lá mới tập trung vào thu hút giới trẻ.

Theo bà Hải, những quảng cáo này gây hiểu lầm cho rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ít tác hại hơn thuốc lá thông thường. Trong khi trên thực tế, thuốc lá điện tử độc hại tương đương thuốc lá thông thường, với nicotin gây nghiện và hàng nghìn chất hoá học khác.

Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotin trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotin và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
 
Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.
 

Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố Việt Nam năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh giảm từ 4% xuống 3,6%. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6%.

Với chủ đề "Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá" trong Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/5 là WHO cũng khẳng định thuốc lá độc hại dưới mọi hình thức.

WHO kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn, rằng có loại thuốc lá ít gây hại cho sức khỏe.

Hồng Hải