1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc giả: Chuyện không hề nhỏ!

Thuốc giả chứa “sai hoạt chất” mà hoạt chất sai đó nếu là độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong

Đối với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Úc, Canada, New Zealand và các nước EU..., thuốc giả chiếm tỉ lệ thấp, chưa đến 1%. Còn ở các nước đang phát triển như nước ta, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng từ 10%-30% thuốc bán trên thị trường có thể là thuốc giả; một số nghiên cứu khác cho rằng tỉ lệ này còn cao hơn. Thuốc giả ngày càng được làm giả một cách tinh vi, nếu nhìn bằng mắt thường chắc chắn không phát hiện được.

Sự nguy hại của thuốc giả

Thuốc giả - bao gồm cả thực phẩm chức năng (TPCN) giả - không chỉ là mối nguy ở nước ta mà trên toàn thế giới. WHO đã đưa ra một định nghĩa thống nhất về thuốc giả như sau: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”. Như vậy, thuốc giả bao hàm cả thuốc kém chất lượng như thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng mà thời gian qua ở nước ta, nhiều thuốc loại này đã bị thu hồi.

Hoạt chất ở đây chính là dược chất có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, do thuốc không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng nên người dùng sẽ không hết bệnh và bệnh ngày càng nặng thêm. Nguy hại hơn là thuốc giả chứa “sai hoạt chất” mà hoạt chất sai đó nếu là độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Tóm lại, thuốc giả luôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển.

Riêng TPCN, do không phải là thuốc và không được quản lý chặt chẽ như dược phẩm, đặc biệt được tiêu thụ ngày càng nhiều nên các sản phẩm này ngày càng bị làm giả và gây tác hại rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc tại nhà thuốc để tránh thuốc giảẢnh: Tấn Thạnh
Người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc tại nhà thuốc để tránh thuốc giảẢnh: Tấn Thạnh

Các loại thuốc giả

Thuốc giả có thể chia thành 6 loại có liên quan đến hình thức giả mạo và mức độ giả mạo của chúng như: sản phẩm không có hoạt chất chữa bệnh, sản phẩm có hàm lượng hoạt chất chữa bệnh không đúng, sản phẩm có hoạt chất sai, sản phẩm có lượng hoạt chất chữa bệnh đúng nhưng có bao bì giả nhái lại sản phẩm nguyên bản, sản phẩm có nồng độ hoạt chất không tinh khiết, sản phẩm nhiễm bẩn chứa độc chất đến mức nguy hiểm.

Khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả phổ biến ngày càng nhiều. Bên cạnh các thuốc giả không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng gây hại cho người dùng thuốc là chính, còn có thuốc giả được sản xuất một cách tinh vi, giống y thuốc thật mà mắt thường rất khó phân biệt.

Thuốc thường bị làm giả là thuốc thuộc loại nổi tiếng và đang được tiêu thụ số lượng lớn như thuốc trị rối loạn cương ở nam giới - Viagra hay Cialis. Nhưng các thuốc thuộc loại lâu đời trị các bệnh xã hội và cũng được tiêu thụ với số lượng rất lớn như thuốc trị sốt rét, thuốc kháng lao...cũng bị làm giả.

Lời khuyên cho người dùng thuốc

Với kỹ thuật công nghệ sản xuất tinh vi, hiện đại như ngày nay, việc phát hiện thuốc “giả mà như thật” quả là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng, kể cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Để nhận biết một cách chắc chắn một loại thuốc giả, cần phải lấy mẫu thuốc đem về phòng thí nghiệm và kiểm nghiệm đánh giá. Việc kiểm nghiệm này phải được thực hiện tại phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn của các trung tâm kiểm nghiệm hoặc viện kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm với đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất... theo quy định của Bộ Y tế nước ta hoặc WHO.

Đối với người tiêu dùng, có thể tránh thuốc giả bằng cách:

- Chỉ mua thuốc tại nhà thuốc, nếu là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) thì càng tốt. Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, bán kiểu trao tay.

- Khi mua thuốc cần quan sát kỹ thuốc. Nếu là loại thuốc đã quen dùng, cần xem kỹ bao bì, dạng bào chế (dạng viên nén, viên nang…), mùi vị thuốc khi uống. Nếu có sự nghi ngờ như bao bì đóng gói kém chất lượng, nhãn mác kém thẩm mỹ hơn so với trước đây, viên thuốc khác với thuốc quen dùng, mùi vị thuốc uống không như trước... thì có nguy cơ rất lớn là thuốc giả. Lúc này không nên dùng thuốc mà hãy đem thuốc đó đến nhà thuốc hỏi xem thực giả như thế nào.

Cách đây không lâu, một số nước châu Phi đã xảy ra tình trạng thuốc dành cho trẻ em chứa tá dược lẫn độc chất propylene glycol khiến nhiều trường hợp tử vong.

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức

Người lao động