Thuốc bổ: Uống thừa sẽ “bổ ngửa”
(Dân trí) - Thuốc bổ, sinh tố, vitamin, rất cần thiết cho cơ thể. Nhưng nếu lạm dụng, quá nhiều, thừa thải so với nhu cầu thì chính vitamin lại gây ra bệnh, bệnh thừa vitamin (hypervitaminosis).
Thuốc bổ quá cần thiết cho con người
Thuốc bổ, sinh tố hay vitamin, là những chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Đây là một thành tố của ô vuông thức ăn “Khoáng chất và vitamin”.
Con người cần đến 13 loại vitamin, được chia làm hai nhóm: (1) bốn vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và (2) chín vitamin tan trong nước là các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, ..), vitamin C, viatamin PP..
Điểm danh một vài vitamin quan trọng:
* Vitamin A có các chức năng: Thị giác; Các mô tế bào cơ thể như da, ruột, phôi thai..; Hệ thống miễn dịch; Chống lão hoá qua tác dụng chặn các gốc tự do….
* Vitamin B1 là một coenzyme quan trọng trong chu trình Krebs để chuyển hóa cả ba chất đường bột, đạm và chất béo tạo ra năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động, chức năng của con người.
* Vitamin B12 có chức năng tạo huyết sắc tố (hemoglobulin Hb), tạo hồng cầu; Bảo vệ hệ thần kinh : Thiếu vitamin B12 đưa đến thoái biến dây thần kinh ngoại biên, tủy sống và đôi khi não; Góp phần tổng hợp methionin và rất cần thiết cho quá trình nhân lên của tế bào…
* Vitamin C là một chất chống oxy hoá tốt, nó tham gia vào nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể: Kìm hãm sự lão hoá của tế bào, Bảo vệ các mô cơ thể, đặc biệt vai trò bảo vệ mô liên kết, collagen; Kích thích sự liền sẹo vết thương, Tăng cường khả năng chống nhiễm khuẩn; Dọn sạch cơ thể, Chống thiếu máu…
* Vitamin D có vai trò quan trọng trong: Phát triển hệ xương khớp, tu sửa xương; Cốt hóa răng; Điều hoà một số chức năng nội tiết, miễn dịch, sinh dục và gần đây được đề cập nhiều về khả năng Ngừa chống ung thư.
Những ai cần bổ sung thuốc bổ?
Nếu ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ nghĩa là đủ thành phần trong Ô vuông thức ăn và đủ khối lượng theo Tháp khẩu phần ăn cân đối, thì không sợ thiếu thuốc bổ, vitamin.
Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin, là người ăn kiêng hay ăn chay trường (không có thức ăn động vật) sẽ thiếu vitamin B12, người bệnh đường gan mật, sự hấp thu chất béo kém dẫn đến thiếu các vitamin tan trong dầu A,D,E,K; người nghiện rượu sẽ thiếu vitamin B1 gây hội chứng Kotsakoff; người bệnh nhiễm trùng, phỏng, phẫu thuật, người cao tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, trẻ sau khi bị bệnh.
Cần cảnh giác thừa vitamin!
Đa số các vitamin tan trong nước, các vitamin B, C, PP..khi thừa sẽ được thải ra trong nước tiểu hoặc phân, nên ít gây hại. Tuy nhiên, dùng vitamin C liều quá cao (người lớn dùng hơn 1g/ngày) dài ngày vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hoá, tăng nguy cơ sỏi thận, bệnh gút.
Những vitamin tan trong dầu, nhất là vitamin A, D khi dùng thừa sẽ tích luỹ trong cơ thể gây ngộ độc. Riêng phụ nữ có thai và trẻ con, đặc biệt trẻ sơ sinh, dùng quá liều vitamin A, vitamin D lại càng nguy hiểm hơn.
Phụ nữ có thai dùng thừa vitamin A có thể gây quái thai, còn trẻ sơ sinh thì bị tăng áp lực sọ não đưa đến lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác. Quá liều vitamin D sẽ gây vôi hoá nhau thai, tăng áp lực sọ não sơ sinh.
Trẻ em thừa vitamin A,D sẽ chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, tăng áp lực sọ não, xương hoá sụn sớm.
Đôi điều bàn luận:
Thuốc bổ vitamin là rất cần thiết, nhưng đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại mà dùng bừa với lý lẽ “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Cần phải hiểu và dùng thuốc bổ thật đúng cách.
Thuốc bổ là con dao hai lưỡi: Dùng đúng: bổ dưỡng, quá liều: bổ ngửa !!!
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam