1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm biến đổi gien gây nhờn kháng sinh

(Dân trí) - Theo PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, thực phẩm biến đổi gien mang lại những lợi ích về kinh tế, tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ nhưng cũng tạo ra những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nguy cơ gây dị ứng

 

Theo ông Đáng, việc đưa gen ngoài vào sinh vật có thể dẫn đến việc xuất hiện chất gây dị ứng khi ăn các thực phẩm biến đổi gien (GM).

 

Nguy cơ tạo ra độc tố

 

Độc tố gây ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khoẻ hầu hết các sinh vật biến đổi gen do nó được biến đổi nhằm tăng sức đề kháng của chúng. Như việc sản sinh ra chất diệt sâu bọ để chống lại côn trùng, hoặc chất diệt cỏ, vì vậy, bản thân chúng chứa đựng các chất này. Các chất này có thể tích luỹ trong chuỗi thức ăn và gây nên bệnh tật. Mặt khác, việc đưa gen lạ vào cơ thể có thể gây rối loạn quá trình chuyển hoá, tạo nên sự xuất hiện các độc tố.

 

Khi ăn những thực phẩm có độc tố này, sức khoẻ con người hoàn toàn có thể bị tác động.

 

Nguy cơ gây nhờn kháng sinh

 

Việc sử dụng GM có thể dẫn tới việc tăng tính kháng kháng sinh của vi khuẩn. Hầu hết các sinh vật biến đổi gen có chứa các gen kháng sinh có khả năng chuyển sang vi khuẩn gây hại cho người.

 

Tuy chưa thể khẳng định những ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen gây dị ứng, độc tố, kháng kháng sinh, nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chuột ăn ngô biến đổi gen có hiện tượng gan bị sưng.

 

Việc sử dụng các gen kháng kháng sinh cũng làm xảy ra các nguy cơ cho thực phẩm biến đổi gen. Người ta đặt ra câu hỏi liệu có thể xảy ra sự chuyển các loại gen kháng kháng sinh từ vật liệu di truyền của cây hay thực phẩm chuyển gen vào trong gen của các vi khuẩn trong ruột hay không? Nếu nguy cơ này là có thật thì việc sử dụng thực phẩm chuyển gen có thể làm xuất hiện các chủng vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh, đó là hiểm họa đối với sức khoẻ cộng đồng.

 

Nguy cơ về thành phần dinh dưỡng

 

Theo ông Đáng, tất cả các phương pháp nhân giống thực vật, dù truyền thống hay chuyển gen, đều có khả năng thay đổi giá trị dinh dưỡng của sản phẩm, hoặc thay đổi ngoài dự kiến về nồng độ, hàm lượng các chất ức chế dinh dưỡng.

 

Cây chuyển gen có thể giúp tăng lên một số thành phần dinh dưỡng nhất định. Chẳng hạn, cây lúa là cây lương thực quan trọng nhất của nhân loại, nhưng lúa có nhược điểm cơ bản là không chứa vitamin A và cả carotene. Do đó những gia đình ăn chủ yếu bằng gạo sẽ bị thiếu vitamin A, hậu quả là gây viêm màng mắt, lâu dài bị khô mắt, mù loà... Thế nhưng, khi dùng công nghệ gen, các nhà khoa học đã tạo ra giống lúa chứa vitamin A. Hạt gạo của giống lúa này có màu vàng gọi là lúa vàng. Như vậy, nhờ kỹ thuật gen, người ta có thể tạo ra các cây có giá trị dinh dưỡng cao.

 

Tuy nhiên, cây biến đổi gen có thể gây những nguy cơ thành phần dinh dưỡng, đó có thể là sự thay đổi các thành phần tương đối (protein thô, chất béo thô, carbonhydrat thô...), hàm lượng protein, các protein bất thường, các chất kháng dinh dưỡng (phytase, chất ức chế trypsin...)...

 

Do đó, trước khi đưa thực phẩm chuyển gen ra lưu thông trên thị trường cần phải đánh giá mức độ nguy cơ của chúng và công việc kiểm nghiệm tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen phải được thực hiện nghiêm ngặt của các cơ quan tổ chức độc lập với các nhà sản xuất, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của loại thực phẩm này tới sức khoẻ người tiêu dùng.

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm