Thực phẩm bẩn gây hại cho người dân, thiệt hại lớn đến nền kinh tế
(Dân trí) - Thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ gây đến sức khỏe người dân, làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế và an sinh xã hội. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo…là mối quan tâm hàng đầu của người dân, các cấp các ngành, các tổ chức kinh tế xã hội…
Nguyên tắc an toàn thực phẩm là phải đảm bảo theo chuỗi
Đó là một số những nội dung trong bài phát biểu của ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tại Hội thảo “Hành động để người dân được sử nông sản an toàn, thực phẩm an toàn” do Báo Lao động phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương phối hợp tổ chức vào sáng nay (26/7) tại Hà Nội.
Ông Trần Thanh Nam cho biết, Luật an toàn thực phẩm ban hành năm 2010 đến nay đã qua 5 năm triển khai, chính phủ, các ngành bộ, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện như ban hành đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật. Chỉ đạo và tổ chức triển khai, tuyên truyền, tổ chức kiểm tra trên thực tế và kết quả có nhiều diễn biến tích cực.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều vụ việc vi phạm về quy định về an toàn thực phẩm vẫn liên tiếp được phát hiện. Kết quả giám sát phát hiện kết quả không đạt yêu cầu quy định an toàn thực phẩm vẫn còn ở mức cao. Vấn đề an toàn thực phẩm có nhiều bất cập, vấn đề then chốt là làm thế nào để có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, có những chuyển biến yêu cầu rõ nét đáp ứng yêu cầu của người dân, đảm bảo sức khỏe người dân và yêu cầu đòi hỏi của thị trường xuất khẩu.
Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 13 yêu cầu các cơ quan và địa phương tăng cường quản lý nhà nước để phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện nguyên tắc an toàn thực phẩm là đảm bảo chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, đây được coi là giải pháp hữu hiệu và bền vững để đảm bảo quản lý tốt chất lượng an toàn thực phẩm, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng.
Mất an toàn thực phẩm gây hoang mang cho người tiêu dùng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản (QLCL NL&TS), cho biết: Thời gian qua các cơ quan chức năng đã mạnh tay hành động với vấn nạn thực phẩm bẩn, mặc dù rất cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng còn chưa đảm bảo. Những sự cố an toàn thực phẩm xảy ra gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Theo kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3 %.
Liên quan tới việc triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ông Tiệp cho hay hiện có 294 chuỗi, thí điểm xác nhận 85 cơ sở kinh doanh sản phẩm chuỗi. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, được đầu tư hạn chế rất khó để tuân thủ đầy đủ và duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chính sách khuyến khích, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; cho nhân rộng phát triển liên kết chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn chưa toàn diện và đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Một số qui định, quy chuẩn kỹ thuật chưa được rà soát kịp thời, để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế sản xuất.
Ông Tiệp đề xuất tiếp tục rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; ban hành bổ sung các qui định, qui chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tạo điều kiện cho người dân nhận biết, ủng hộ tiêu dùng sản phẩm an toàn và người sản xuất, kinh doanh có thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn; đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về an toàn thực phẩm (tờ rơi, tờ dán, panô, áp phích, phát thanh, truyền hình …); phối hợp với Báo, Đài trung ương và địa phương, hệ thống phát thanh xã phường tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm.
Cục QLCL NL&TS sản sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc BVTV, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Bộ Công thương trong kiểm soát, ngăn chặn lạm dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất đối với sản phẩm, công đoạn rủi ro cao về an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý các trường hợp vi phạm.
Nguyễn Dương