Thực hư xét nghiệm máu một lần sàng lọc sớm ung thư

Hồng Hải

(Dân trí) - Các quảng cáo rầm rộ trên mạng xét nghiệm máu một lần phát hiện sớm nhiều loại ung thư khiến nhiều người không tiếc tiền, chi tiền triệu để xét nghiệm sàng lọc.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, các quảng cáo, thông tin về việc xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư là không chính xác.

"Trong tất cả các loại bệnh ung thư, chỉ có 1-2 loại bệnh là dựa vào xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm khối u để nghĩ đến nguy cơ cao, còn tất cả chỉ mang tính định hướng", PGS Quảng khẳng định.

Thực hư xét nghiệm máu một lần sàng lọc sớm ung thư - 1
Khám sàng lọc ung thư vú cho chị em phụ nữ tuổi 40 (Ảnh: H.Hải).

Giám đốc Bệnh viện K thông tin thêm, trong y khoa, vai trò của chất chỉ điểm khối u là theo dõi và đánh giá, theo dõi kết quả điều trị, không phải để sàng lọc. 

Hơn nữa, một số chất chỉ điểm không chỉ tăng khi bị ung thư, mà viêm nhiễm thông thường, mắc các bệnh phổ biến cũng có thể tăng lên.

Vì thế, PGS Quảng cho rằng xét nghiệm chất chỉ điểm để sàng lọc ung thư không có ý nghĩa quá lớn. 

Thực hư xét nghiệm máu một lần sàng lọc sớm ung thư - 2

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Ảnh: PV).

"Hiện chỉ có hai chất chỉ điểm khá có ý nghĩa phát hiện sớm nguy cơ ung thư là ung thư tuyến tiền liệt và ung thư gan. Tuy nhiên, cũng chỉ thực hiện trên đối tượng nguy cơ cao, không thực hiện đại trà", PGS Quảng thông tin thêm.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) khẳng định, xét nghiệm dấu ấn không đặc hiệu trong sàng lọc bệnh ung thư. Nhiều người khi đi xét nghiệm sàng lọc, chỉ số tăng lên thì mất ăn mất ngủ, lo tá hỏa đi khám lại khắp nơi. Nhưng các chỉ số này tăng có thể do đang viêm, do một số bệnh lành tính... 

"Đây là phương pháp để theo dõi điều trị ung thư. Ví dụ, một bệnh nhân đang điều trị ung thư cổ tử cung, chỉ số ung thư này trong máu đã giảm xuống qua quá trình theo dõi, bỗng nhiên mấy tháng sau khám lại, xét nghiệm chỉ số này lại tăng lên, cho thấy căn bệnh đó là tái phát, di căn", PGS Phương nói.

Theo PGS Quảng, ung thư là một bệnh nan y, tuy nhiên có trên 200 loại ung thư, mỗi loại lại có phương pháp sàng lọc, phát hiện sớm khác nhau. Ví như với ung thư vú, việc khám lâm sàng, chụp X-quang vú có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện khối u; Với ung thư dạ dày, đại trực tràng thì có phương pháp nội soi, xét nghiệm máu trong phân... Còn xét nghiệm chất chỉ điểm khối u là để theo dõi và đánh giá kết quả điều trị, không phải để sàng lọc.

Theo PGS Quảng, hiện nay, số bệnh nhân được phát hiện ung thư giai đoạn sớm ngày càng tăng lên, đặc biệt với ung thư vú do người dân được tuyên truyền nhiều. Bất kể bệnh ung thư nào, việc phát hiện sớm đều mang lại cơ hội điều trị rất cao.

Thực hư xét nghiệm máu một lần sàng lọc sớm ung thư - 3
Một ca nội soi điều trị ung thư tại Bệnh viện K (Ảnh: Thái Hà).

"Khi bị ung thư, tâm lý người bệnh rất nặng nề vì sợ "thần chết" gõ cửa. Tuy nhiên, ung thư không phải vô phương cứu chữa, mà là bệnh có thể điều trị được.

Hiện nay, việc điều trị ung thư tại Việt Nam, các kỹ thuật thực hiện được tương đương các nước phát triển. Hầu hết các bệnh nhân ung thư đều cải thiện được thời gian sống thêm, như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày... Trước đây tỉ lệ sống 5 năm chỉ khoảng 15%, nay khoảng 20-25%, có nước lên 30%. Tại Bệnh viện K, có những bệnh nhân ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến giáp sống thêm vài chục năm", PGS Quảng nói.

Theo đó, Giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo mọi người cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau xanh, ít thịt đỏ, không bia rượu, tăng cường tập luyện và hãy nhớ khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư theo chỉ định của bác sĩ.

Khi phát hiện bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, lạc quan, tin tưởng... để kiểm soát bệnh tốt hơn.