Thực hư "xà bông trắng da"

Mấy năm gần đây đã có sự bàn cãi về tác hại của hydroquinone, nghi ngờ hóa chất này gây teo da, thậm chí gây ung thư

Gần đây, nhiều video lan truyền trên các mạng xã hội, một số diễn đàn bàn chuyện tẩy trắng "siêu tốc" hay dùng xà bông (soap) "tắm trắng tức thì". Nhiều quảng cáo khá sốc, kiểu "thách thức mọi làn da"… Thực hư ra sao?

Hai nguyên nhân

Trước hết, ta cần biết làm trắng da là tìm cách cải thiện hiện tượng nám, sạm da - tình trạng tăng sắc tố đen (hắc tố hay còn gọi là melanin) trên da.

Thông thường, nơi bị sạm hay nám là mặt. Nám da toàn thân, hay như nhiều người nói là có làn da đen, thường do yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ đã có làn da đen thì con cái khó lòng có làn da trắng.

Riêng chứng nám da mặt có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chia làm 2 loại:

- Nguyên nhân nội sinh: Là những nguyên nhân xảy ra bên trong cơ thể, như nám do mang thai, thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ, uống thuốc ngừa thai (các nguyên nhân nội sinh này nói chung do sự thay đổi 2 nội tiết tố của phụ nữ là estrogen và progesteron), yếu tố tâm lý (stress thường xuyên dễ nám da mặt). Có thể kể thêm yếu tố tâm lý - nếu lo lắng, phiền muộn nhiều cũng có thể làm cho phụ nữ bị nám mặt…

Với các chế phẩm dùng ngoài, tức bôi lên da, vẫn phải thận trọng như dùng thuốc Ảnh: Hoàng Triều
Với các chế phẩm dùng ngoài, tức bôi lên da, vẫn phải thận trọng như dùng thuốc Ảnh: Hoàng Triều

- Nguyên nhân ngoại sinh: Là những nguyên nhân xảy ra bên ngoài cơ thể, như nám do nắng, dùng mỹ phẩm, hóa chất có trong môi trường, dùng thuốc (tetracyclin, sulfamid, thuốc lợi tiểu thiazid)… làm da dễ bắt nắng mà không được bảo vệ chống nắng.

Như vậy, để trị nám cần phải xác định nguyên nhân và chữa trị đúng vào nguyên nhân thì mới có hiệu quả.

Về hoạt chất làm trắng da có trong các chế phẩm trị nám da, đặc biệt dùng ngoài, tức bôi lên da, thường là các hóa chất có tính axít như AHA (alpha hydroxy acid như axít lactic, axít glycolic), axít azelaic, axít ascorbic (tức vitamin C), axít kojic, axít retinoic (tức tretinoin, là dẫn chất vitamin A)…

Gần đây, trên mạng xã hội (Facebook, Zalo...) xuất hiện rất nhiều loại xà bông tắm trắng, đặc biệt có loại được giới thiệu có nguồn gốc Thái Lan, với công dụng làm da trắng lên rất nhanh. Nguyên liệu làm loại xà bông này được giới thiệu là tinh chất ốc sên, nho, dâu tây, mật ong, dứa... không làm hại da. Sản phẩm còn được quảng cáo thêm rằng mọi lứa tuổi đều có thể dùng, kể cả bà bầu, người già, trẻ nhỏ...

Cần lưu ý, nếu sản phẩm chỉ chứa các chất gọi là thiên nhiên nêu trên thì không thể nào làm trắng da được, mà có thể phải chứa hóa chất có tính axít đã kể. Chứa hóa chất mà không thông báo là rất nguy hiểm. Bởi lẽ, có đối tượng không dùng được hóa chất nguy hiểm, như phụ nữ có thai tuyệt đối không dùng sản phẩm chứa axít retinoic vì gây quái thai.

Không có chuyện thần kỳ như thế!

Có một số clip quảng cáo sau một lần tắm xà bông trắng da là da lên tone liền (tức trắng da). Quảng cáo này thật ra không đáng tin cậy chút nào! Không có loại hóa chất nào thần kỳ đến mức chỉ một lần bôi lên da và tắm mà làm làn da trắng bóc (quay clip rất dễ dàn dựng, với kỹ thuật hậu kỳ ngụy tạo làn da trắng bóc sau một lần tắm). Trên thực tế, dù mỹ phẩm có cao cấp đến đâu cũng không có chuyện làm trắng da tức khắc.

Đặc biệt, hydroquinone là hóa chất làm trắng da dùng đã lâu và nay có nhiều bàn cãi. Hydroquinone có tính khử trong phản ứng ôxy hóa khử nên được dùng trong nhiếp ảnh làm chất rửa ảnh, làm hiện hình của phim trên giấy ảnh.

Hydroquinone có tác dụng trị nám nhờ tế bào hắc tố khi tiếp xúc hóa chất này sẽ không tiết melanin. Thế nhưng, như đã nói, hydroquinone không phải luôn luôn có hiệu quả trị nám khi nguyên nhân gây nám không được xác định để trị tận căn.

Có khuyến cáo rằng chỉ bôi chế phẩm chứa hydroquinone trong 2 tháng, nếu thấy không tác dụng thì ngưng và trong thời gian bôi phải tránh ra nắng (hydroquinone gây quang cảm ứng làm da nám hơn khi tiếp xúc ánh nắng).

Hydroquinone có thể gây tác dụng phụ như hồng ban thoáng qua (transient erythema), bệnh mô xám nâu (ochronosis, tức làm da dày và có màu sạm hơn), đặc biệt có thể gây dị ứng. Vì vậy, cần thử trước giống như dùng mỹ phẩm nói chung - bôi một ít chế phẩm chứa hydroquinone lên da ở mặt trong cánh tay và chờ trong vòng 24 giờ, nếu vùng da bôi đỏ ửng thì không nên dùng.

Mấy năm gần đây, nhiều ý kiến đã bàn cãi về tác dụng có hại, nghi ngờ hydroquinone gây teo da, thậm chí gây ung thư, dẫn đến việc nhiều nước ở châu Âu cấm dùng hóa chất này. Có nhiều chế phẩm làm trắng da ghi rõ thông tin không chứa hydroquinone để người tiêu thụ an tâm dùng.

Khi bị đen da hay nám da mặt, cách chữa trị tốt nhất là nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và cho hướng xử trí đúng đắn.

Thận trọng với thai phụ, trẻ nhỏ, người già

Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người già càng phải cẩn thận với sản phẩm bôi ngoài da hơn. Bởi lẽ, phụ nữ có thai dùng chế phẩm bôi ngoài da vẫn có thể bị ảnh hưởng cho thai trong bụng. Như đã nói, bà bầu tuyệt đối không dùng sản phẩm bôi ngoài da chứa axít retinoic vì gây quái thai.

Trong khi đó, trẻ con có làn da mỏng manh và rất dễ nhạy cảm với nhiều sản phẩm bôi ngoài da. Còn người già thì sự đáp ứng với các sản phẩm bôi ngoài da rất bất thường, có khi chỉ có hại.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm