Chùm tin:

Thừa gần 200 tỉ đồng khám chữa bệnh cho người nghèo

(Dân trí) - “Năm 2005, các hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo chỉ sử dụng hết 75% trong tổng số tiền được Nhà nước cấp”, TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tại hội thảo định hướng dự án “Hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên” sáng 12/9, TS Nguyễn Thị Xuyên cho biết: nguyên nhân dư gần 200 tỷ đồng ( chỉ chi có 577 tỷ đồng trong tổng số 773 tỷ đồng) trong ngân sách khám chữa bệnh cho người nghèo, một phần do nhiều tỉnh chưa hiểu cặn kẽ phương thức thanh toán nên xảy ra tình huống, quỹ còn nhưng không triển khai hết. Ngoài ra, người nghèo chưa hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình nên chưa chủ động tìm đến dịch vụ y tế khi có bệnh.

 

Qua 4 năm thực hiện QĐ 139 về hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều thành lập Ban chỉ đạo Khám chữa bệnh (KCB) và xây dựng được quỹ KCB cho người nghèo.

 

Bộ Tài chính đã cân đối từ ngân sách Nhà nước đủ cho 100% đối tượng với khoảng 14 triệu người được thụ hưởng nguồn hỗ trợ này. Phần đóng góp của các nhà tài trợ cũng tăng lên qua các năm, vốn của địa phương đạt khoảng 10-15% tổng số vốn cần huy động.

 

EC tài trợ 18 triệu Euro chăm sóc sức khỏe người nghèo

 

Cũng tại Hội thảo này, TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết,  dự án “Hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ người nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên” (Dự án HEMA), sẽ được thực hiện tại năm tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum và Gia Lai với tổng số dân khoảng 3,2 triệu người.

 

Dự án HEMA có tổng số vốn là 19,4 triệu Euro, trong đó vốn  của EC (Uỷ ban châu Âu) là 18 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1,4 triệu Euro.

Được biết, gần 12 triệu Euro - tức hai phần ba nguồn kinh phí sẽ được phân bổ cho Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo các tỉnh, được nhà tài trợ EC quản lý trực tiếp thông qua Quý Uỷ thác của ngân hàng thế giới.

 

Nguồn vốn này sẽ chuyển trực tiếp xuống tỉnh để thực hiện mua các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) với tỷ trọng phân bổ 60% cho tuyến xã, 20% cho tuyến huyện và 20% cho hoạt động phối hợp liên ngành. Theo đó, người nghèo sẽ được hưởng lợi từ các gói dịch vụ CSSK thông qua hợp đồng giữa các đơn vị quản lý quỹ cấp tỉnh và các đơn vị cung ứng dịch vụ.  

Hồng Hải