Thủ tướng nêu ra 10 yêu cầu với tân Bộ trưởng Bộ Y tế
(Dân trí) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành y tế trong thời gian tới là kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để dịch quay lại, kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm khác.
Chiều 15/11 tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế cho GS.TS Nguyễn Thanh Long, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Nguyễn Thanh Long, sinh năm 1966, có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ Y học được Quốc hội phê chuẩn vào chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 12/11 và sau đó được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ông Nguyễn Thanh Long, đặc biệt khi dịch Covid-19 xảy ra và bùng phát.
Theo Thủ tướng vai trò của ngành y tế ngày càng quan trọng, yêu cầu của người dân, của xã hội với ngành y tế ngày càng cao. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhận nhiệm vụ trong giai đầy gian nan, thử thách, tuy nhiên bên cạnh khó khăn luôn mở ra cơ hội mới cho củng cố phát triển ngành y tế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nêu ra 10 yêu cầu với Tân Bộ trưởng Bộ Y tế, với ngành y tế.
Cụ thể:
Thứ nhất, nhiệm vụ đầu tiên và ưu tiên hàng đầu là kiểm soát tốt dịch Covid-19 không để dịch quay trở lại, đồng thời kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm khác, như bạch hầu, sốt xuất huyết, cúm mùa, dịch tả sau lũ lụt…, không để dịch chồng dịch
Thứ 2 là hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh với yêu cầu dễ tiếp cận dịch vụ y tế hơn và giảm chi phí hơn nữa trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngành y tế liên quan đến số đông nhân dân, quần chúng thì chính sách, cơ chế rất quan trọng.
Thứ 3 là tập trung cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế, kiểm soát tốt hơn nữa chi phí y tế, dược phẩm, thực phẩm, vật tư trang thiết bị y tế; công khai minh bạch trong quản lý cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc; công khai giá thuốc, giá trang thiết bị, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh….
Thứ 4 là nâng cao chất lượng công tác an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn trường học, khu công nghiệp, ngộ độc methanol.
Thứ 5 là mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và phạm vi thanh toán bằng bảo hiểm y tế, quan tâm các đối tượng chính sách như người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, người già, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe bình đẳng. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân tốt hơn nữa.
Thứ 6 là chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế tại các bệnh viện công lập. Xã hội hóa nguồn lực trong y tế là một chủ trương đúng đắn, Bộ Y tế cần tập trung cơ chế chính sách và công cụ quản lý không để tình trạng thương mại hóa quá mức.
Thứ 7 là tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, thúc đẩy hệ thống khám chữa bệnh từ xa cả về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận y tế chất lượng tốt ngay tại y tế cơ sở. Ngành y tế cần đổi mới hình thức thông tin để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ tự chăm sóc sức khỏe bản thân, quản lý theo dõi sức khỏe từng người dân tầm soát phát hiện sớm bệnh.
Thứ 8 là nâng cao nội lực y tế nước nhà phát triển hài hòa cả đông y và tây y trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới.
Thứ 9 là đổi mới toàn diện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức.
Thứ 10 là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới trong y học, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y.
GS. TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh sẽ tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ngành, phát huy trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của ngành để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Trong thời gian tới ngành y tế sẽ tập trung cho một số nội dung trọng tâm trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, thực hiện tốt 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu.
Cụ thể, theo tân Bộ trưởng Bộ Y tế ngành y tế tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân theo hướng công bằng, hiệu quả; đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh; đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; đổi mới toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế; tăng cường đầu tư, đổi mới tài chính y tế; công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế…
Đồng thời, nâng cao đạo đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ ngành y; triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như khám chữa bệnh từ xa, công khai y tế, hệ thống điều hành trạm y tế xã, mạng y tế Việt Nam kết nối thầy thuốc trên toàn quốc, hồ sơ sức khỏe toàn dân…
Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cam kết: “Để xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi giao phó trọng trách quan trọng này, tôi xin hứa sẽ luôn tâm huyết, sáng tạo, cùng tập thể Ban Cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ Y tế và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đoàn kết, thống nhất một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng mọi mặt của ngành y tế đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.