Thủ thuật tăng viện phí
Dự kiến từ ngày 1/8, 10 tỉnh thành gồm Kon Tum, Kiên Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Nghệ An sẽ áp dụng viện phí mới, sau khi HĐND tỉnh thông qua biểu giá mới.
Khánh Hòa là địa phương có mức thu viện phí lên tới trên 90% khung trần của liên bộ Y tế - Tài chính. Trong ảnh: phẫu thuật mổ mắt bằng phương pháp phaco tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: ANH TUẤN
Đa số địa phương đã tăng viện phí đều áp dụng 70-75% khung của liên bộ Y tế - Tài chính (trừ Khánh Hòa và Đồng Tháp áp dụng 93-95%). Tuy nhiên, đáng chú ý là các dịch vụ có tần suất sử dụng cao đã được áp khung giá cao, trong khi các dịch vụ y tế ít sử dụng lại có mức tăng khá thấp. Đây là một thủ thuật thường thấy ở các địa phương.
Càng dùng nhiều, càng tăng phí
Trong biểu giá dịch vụ y tế được HĐND thông qua và chuẩn bị áp dụng ở Nghệ An, dù bình quân áp dụng 73% khung viện phí, nhưng các dịch vụ có tần suất sử dụng cao lại được áp mức rất cao. Đơn cử giá ngày giường áp dụng 89% khung, chẩn đoán hình ảnh 89% khung, thủ thuật 82-89% khung, siêu âm 89% khung, hội chẩn ca bệnh khó 89% khung... Vì áp mức cao trong khung, khiến mức viện phí mới ở tỉnh này sẽ tăng rất cao so với hiện hành, như tiền ngày giường hiện đang thu 18.000 đồng/ngày giường, từ ngày 1/8 mức phí mới (bệnh viện hạng 1) sẽ là 134.000 đồng, chỉ thấp hơn 16.000 đồng so với giá tối đa mà liên bộ cho phép. Với giường bệnh cấp cứu, giá tối đa là 335.000 đồng/ngày, tỉnh này thu gần 300.000 đồng, không rẻ hơn bao nhiêu.
Trong khi đó, một số dịch vụ có tần suất sử dụng ít đã được áp dụng mức thấp trong khung, điều đó khiến bình quân viện phí mới không cao, dẫn tới sự lầm tưởng về mức viện phí khi tính mức tăng trung bình. Trong số này, dịch vụ điều trị sùi mào gà bằng đốt điện chỉ áp dụng 64% khung, dịch vụ laser quang đông điều trị võng mạc áp dụng 46% khung, cắt lọc tổ chức hoại tử 38% khung, thậm chí dịch vụ khâu lại da, vết phẫu thuật sau nhiễm khuẩn chỉ áp dụng 27% khung...
Với những “tính toán” về viện phí như vậy, ước tính năm 2012 Quỹ bảo hiểm y tế tỉnh Nghệ An có khả năng bội chi 93 tỉ đồng, năm 2013 ước bội chi chừng 262 tỉ đồng, người bệnh phải cùng chi trả tăng 41,67% so với trước.
Trong 12 địa phương đang chờ thông qua viện phí mới, hiện tượng thu viện phí cao đối với dịch vụ có tần suất sử dụng cao cũng rất phổ biến, như tỉnh Long An dự định áp dụng 90% khung, nhưng phí khám bệnh, tiền ngày giường áp dụng 100% khung; tỉnh Hải Dương dự định áp dụng 77% khung, nhưng giá khám bệnh dự định 100% khung, tiền ngày giường 99% khung...
Ngoài ra, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN, còn cho rằng trong mười tỉnh đã thông qua viện phí mới, Khánh Hòa và Đồng Tháp có mức viện phí mới rất cao, trong khi điều kiện kinh tế địa phương không phải nhóm dẫn đầu, khả năng cung cấp dịch vụ chưa phải là tốt.
Có dịch vụ tăng... 66,7 lần
Theo báo cáo thẩm định dự thảo nghị quyết phê chuẩn mức thu một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập của Sở Tư pháp Lào Cai (địa phương đang xây dựng lại viện phí sau khi dự kiến áp dụng 100% khung), nếu so sánh với mức thu hiện hành thì giá một số dịch vụ y tế biến động rất mạnh.
Cụ thể, mổ quặm hai mi (gây tê) có giá hiện hành 30.000 đồng, mức thu mới đề nghị 505.000 đồng, gấp 16,8 lần; mổ quặm ba mi (gây tê) có giá hiện hành 40.000 đồng, mức thu mới đề nghị 675.000 đồng, gấp 16,9 lần; phẫu thuật mộng đơn thuần một mắt (gây tê) có giá hiện hành 40.000 đồng, mức thu mới 615.000 đồng, gấp 15,4 lần; thở oxy (chưa bao gồm oxy) giá hiện hành 3.000 đồng, mức thu mới 200.000 đồng, gấp 66,7 lần... “Ngay cả khi người bệnh có bảo hiểm, được chi trả 80-90% phí khám chữa bệnh thì số tiền thực phải thanh toán cũng rất lớn vì có những dịch vụ giá thu tăng 10-12 lần so với mức đang áp dụng” - văn bản của giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai Hoàng Kim Thái nhận xét.
Theo Lan Anh
Tuổi trẻ