Thủ phạm 1cm "ẩn nấp" trong món cá khiến cụ ông phải mổ gấp

Minh Nhật

(Dân trí) - Trước nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau khi nuốt. Các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận tình trạng áp xe thành bên họng do dị vật xương cá, chỉ định phẫu thuật lấy dị vật.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật lấy mảnh xương cá gây áp xe vùng cổ cho cụ ông 71 tuổi.

Bệnh nhân N.V.M. (71 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) sau khi ăn cá bị đau vùng cổ khoảng 20 ngày.

Trước nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau khi nuốt. Khi khám tại Bệnh viện Bãi Cháy cho kết quả chụp siêu âm cổ và chụp CT-Scanner vùng hàm mặt có tiêm thuốc cản quang phát hiện hình ảnh dị vật mềm vùng cổ, kích thước 8mm, hạ họng bên trái phù nề tổ chức lân cận, dày hốc amidal hai bên.

Các bác sĩ đã hội chẩn kết luận tình trạng áp xe thành bên họng do dị vật xương cá, chỉ định phẫu thuật lấy dị vật.

BSCKI Doãn Chiến Thắng, Khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành phẫu thuật bóc tách vùng cổ trái, lấy thành công mảnh xương nhỏ mảnh, sắc nhọn khoảng 1cm và loại bỏ khối áp xe. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Thủ phạm 1cm ẩn nấp trong món cá khiến cụ ông phải mổ gấp - 1

 Ca phẫu thuật lấy dị vật xương cá vùng cổ cho người bệnh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Hóc xương cá, gà, vịt… nếu phát hiện sớm có thể xử trí gắp dị vật đơn giản bằng thủ thuật nội soi họng. Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân này có dị vật là xương cá nhọn, mảnh nhỏ đã xuyên sâu vào lớp cơ cổ, lâu ngày tạo thành ổ mủ, áp xe vùng cổ nghiêm trọng gây sưng đau.

Chúng tôi đã phải điều trị kháng sinh để làm giảm tình trạng viêm, nhiễm trùng, thu hẹp kích thước ổ áp xe trước khi tiến hành phẫu thuật.

Nếu không phẫu thuật xử trí kịp thời thì dị vật có thể di chuyển đâm vào động mạch cảnh gây chảy máu khó cầm, áp xe cổ có thể lan đến trung thất gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn trung thất, thậm chí sốc nhiễm trùng đe dọa tính mạng", BS Thắng chia sẻ.

Các trường hợp hóc dị vật đường ăn thường ít gây ra tình trạng nguy cấp đe dọa tính mạng tức thì như hóc dị vật đường thở. Tuy nhiên, dị vật không được lấy ra sau một thời gian ngắn (trong vòng 24 giờ) sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng ở đường ăn.

Hóc dị vật sắc nhọn như xương cá thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Do vậy để tránh biến chứng nguy hiểm, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người bệnh khi bị hóc xương không nên cố nuốt nhiều loại đồ ăn để xương trôi xuống.

Thủ phạm 1cm ẩn nấp trong món cá khiến cụ ông phải mổ gấp - 2

Hình ảnh mảnh xương được gắp ra (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Xương từ đường ăn ra các khu vực khác có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Xương cá đâm vào sàn miệng gây nhiễm trùng, nhiễm trùng lan tỏa vùng cằm, cổ, trung thất, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Xương cá đâm vào thành họng có thể khiến họng viêm nhiễm, áp xe thành họng và có nguy cơ dẫn đến các bệnh hô hấp, áp xe trung thất.

Xương cá có thể rơi xuống khu vực đường thở gây bít tắc đường thở, ngạt thở (xương mang cá), ngất, tắc thở và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xương cá mắc ở khu vực phế quản, phổi có thể gây viêm nhiễm, hoại tử các mô xung quanh, áp xe quanh khu vực đường hô hấp dưới, gây các hiện tượng như viêm thanh quản, viêm phổi, xẹp phổi, áp xe phổi…

Nếu hóc xương dẫn đến đau họng tăng dần, nuốt vướng liên tục người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp điều trị kịp thời.