Thử nghiệm tiêm vắc xin bại liệt trên 240 trẻ

(Dân trí) - Giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm vắc xin phòng bại liệt IPOVAC đã được tiến hành trên 240 trẻ em tại 10 xã ở Thanh Sơn, Phú thọ.

 


Nếu thử nghiệm thành công, sẽ thay thế vắc xin đường uống bằng đường tiêm vào 2018

Nếu thử nghiệm thành công, sẽ thay thế vắc xin đường uống bằng đường tiêm vào 2018

Những trẻ được chọn vào quá trình thử nghiệm này là những trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển chọn được quy định về độ tuổi, cân nặng, không có tiền sử mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, chưa từng uống hoặc tiêm vắc xin bại liệt, tại thời điểm tiêm trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Đặc biệt các trẻ tham gia nghiên cứu thử nghiệm phải được sự đồng ý, tình nguyện của cha, mẹ.

240 trẻ này sẽ được tiêm 3 mũi vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC, mỗi mũi cách nhau một tháng. Mỗi trẻ sẽ được lấy máu 3 lần trước khi tiêm mũi 1, trước tiêm mũi 3 và sau tiêm mũi 3 một tháng để đánh giá về tính an toàn, tính sinh miễn dịch của trẻ trước và sau tiêm vắc xin.

Tất cả trẻ sau khi tiêm được theo dõi sức khỏe hằng ngày trong vòng 7 ngày đầu, nhằm ghi nhận tất cả những dấu hiệu, phản ứng của trẻ sau tiêm và hằng tuần trong thời gian tiếp theo.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sẽ được triển khai từ tháng 12/2015 đến tháng 7/2016. Nếu kết quả đạt yêu cầu về tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch thì sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 3 trên gần 1.000 trẻ.

Trước đó, giai đoạn 1 đã được tiến hành thành công khi thử nghiệm trên 60 người lớn khỏe mạnh để đánh giá về tính an toàn của vắc xin phòng bệnh bại liệt IPOVAC.

Dự kiến, đến năm 2018, vắc xin bại liệt IPOVAC sẽ có mặt trên thị trường, giúp các bà mẹ có thêm lựa chọn khi cho trẻ đi tiêm chủng.

Trước đó, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết sắp tới vắc xin bại liệt dạng tiêm (vắc xin bại liệt bất hoạt) sẽ được thay cho vắc xin bại liệt đường uống giảm độc lực hiện nay đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Giải thích về sự thay đổi vắc xin này, GS.TS Đức Anh cho biết, về tác dụng phòng bệnh cả hai loại vắc xin bại liệt bất hoạt hay giảm độc lực đều có giá trị phòng bệnh như nhau. Bằng chứng là tại Việt Nam sử dụng vắc xin bại liệt đường uống giảm độc lực và đã thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000 và đến nay vẫn duy trì thành quả.

Tuy nhiên về lâu dài để duy trì được thành quả thanh toán bệnh bại liệt thì việc chuyển sang vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm là cần thiết. Bởi khi sử dụng vắc xin bại liệt đường uống, đây là vắc xin giảm độc lực và khi loại uống thải vắc xin, vi rút sống giảm độc lực còn lại trong vỏ lọ có thể ra ngoài môi trường, trong điều kiện nhất định độc lực quay trở lại có thể gây bệnh và chúng ta vẫn phải duy trì tiêm để phòng nguy cơ này. Trong khi đó, nếu dùng vắc xin bại liệt đường tiêm thì sau vài năm thì có thể dừng vắc xin bại liệt vì môi trường sạch”, TS Đức Anh giải thích.

Được biết, chiến lược thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu cũng khuyến cáo các nước chuyển dần từ vắc xin bại iệt đường uống sang vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm. Vắc xin đường uống được sử dụng khi bệnh dịch đang lưu hành có tác dụng rất hiệu quả, tạo miễn dịch cao, cắt đứt đường lây nhiễm. Đến khi ca bệnh giảm ổn định thì để tiến tới thanh toán bệnh toàn cầu thì chuyển sang dạng tiêm.

Bên cạnh đó, nhiều vắc xin cũng đã được đưa thêm vào chương trình TCMR, như vắc xin Viêm não Nhật Bản B đã đưa vào tiêm thường xuyên (trước chỉ tổ chức tiêm chiến dịch), vắc xin sởi - rubella, và sắp tới sẽ là vắc xin bại liệt dạng tiêm, tương lai xa hơn nữa là vắc xin ngừa rota vi rút sẽ được đưa vào chương trình TCMR để trẻ em được tiếp cận nhiều hơn nữa vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tú Anh