Sẽ thay thế vắc xin bại liệt uống thành tiêm
(Dân trí) - Ngày 4/8, TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện Viện đang lên kế hoạch để sử dụng vắc xin bại liệt dạng tiêm (vắc xin bại liệt bất hoạt) thay cho vắc xin bại liệt đường uống giảm độc lực hiện nay.
Dự kiến từ tháng 5/2016 vắc xin bại liệt tiêm bất hoạt sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Giải thích về sự thay đổi vắc xin này, GS.TS Đức Anh cho biết, về tác dụng phòng bệnh cả hai loại vắc xin bại liệt bất hoạt hay giảm độc lực đều có giá trị phòng bệnh như nhau. Bằng chứng là tại Việt Nam sử dụng vắc xin bại liệt đường uống giảm độc lực và đã thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000 và đến nay vẫn duy trì thành quả.
“Tuy nhiên về lâu dài để duy trì được thành quả thanh toán bệnh bại liệt thì việc chuyển sang vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm là cần thiết. Bởi khi sử dụng vắc xin bại liệt đường uống, đây là vắc xin giảm độc lực và khi loại uống thải vắc xin, vi rút sống giảm độc lực còn lại trong vỏ lọ có thể ra ngoài môi trường, trong điều kiện nhất định độc lực quay trở lại có thể gây bệnh và chúng ta vẫn phải duy trì tiêm để phòng nguy cơ này. Trong khi đó, nếu dùng vắc xin bại liệt đường tiêm thì sau vài năm thì có thể dừng vắc xin bại liệt vì môi trường sạch”, TS Đức Anh giải thích.
Được biết, chiến lược thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu cũng khuyến cáo các nước chuyển dần từ vắc xin bại iệt đường uống sang vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm. Vắc xin đường uống được sử dụng khi bệnh dịch đang lưu hành có tác dụng rất hiệu quả, tạo miễn dịch cao, cắt đứt đường lây nhiễm. Đến khi ca bệnh giảm ổn định thì để tiến tới thanh toán bệnh toàn cầu thì chuyển sang dạng tiêm.
Theo đó, dự kiến tháng 5/2016 sẽ đưa vắc xin bại liệt tiêm thay thế cho vắc xin bại liệt uống trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, vắc xin ngừa tiêu chảy do rota vi rút cũng đang được lên kế hoạch đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến nay, hiện đã có 12 loại vắc xin được đưa vào tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em (mới nhất là thêm vắc xin sởi - rubella dành cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên đã được triển khai tiêm từ tháng 6/2015).
Cũng tại buổi họp báo chiều 4/8 công bố thông tin về kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1- 14 tuổi, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ tháng 9-/2014 đến tháng 5/2015 đã có gần 20 triệu trẻ được tiêm chủng vắc-xin sởi- rubella an toàn.
Số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng được ghi nhận là 8 trường hợp và đã được Hội đồng chuyên môn điều tra, đánh giá nguyên nhân. Thống kê cho thấy 8 trường hợp phản ứng sau tiêm trên gần 20 triệu trẻ em là một con số rất nhỏ. Trong đó có 3 trường hợp liên quan đến phản ứng của vắc xin gồm 1 trường hợp sốt cao co giật, 2 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc xin. Cả 3 trường hợp trên đều được xử trí kịp thời và hồi phục. Ghi nhận 15.866 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường được báo cáo (sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu….) chiếm 0,08%, thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo để duy trì thành quả của chiến dịch này các bà mẹ cần ghi nhớ cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Bởi mỗi năm có hàng triệu trẻ được sinh ra, nếu không được tiêm chủng đầy đủ lại sẽ hình thành “vùng lõm” trẻ không được bảo vệ vắc xin và có thể xảy ra dịch bệnh.
Hồng Hải