1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thời tiết chuyển mùa, vi rút “mê trẻ em” hoành hành gây bệnh

(Dân trí) - Thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ giảm sâu về đêm kết hợp với ô nhiễm không khí là điều kiện thuận lợi cho vi rút “mê trẻ em” hoành hành. Bác sĩ cảnh báo vi rút hợp bào hô hấp có tốc độ lây lan nhanh, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Thời tiết giao mùa, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao

Sau mùa nắng nóng kéo dài, bước vào tháng cuối năm, TPHCM nói riêng và khu vực các tỉnh phía Nam nói chung nhiệt độ đang giảm sâu về đêm. Nền nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn kết hợp với ô nhiễm không khí nghiêm trọng của môi trường đô thị đang tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh hô hấp ở trẻ em.

Thời tiết chuyển mùa, vi rút “mê trẻ em” hoành hành gây bệnh - 1

Bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp, đến khám, điều trị tại các bệnh viện tăng cao

Hơn nửa tháng trước, bé Nguyễn Huy L. (9 tháng tuổi, ngụ tại Quận 8, TPHCM) có biểu hiện khò khè, khó thở, mệt nhiều. Cháu được mẹ đưa đến phòng khám nhi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đường hô hấp và cho toa thuốc về uống. Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc tình trạng bệnh có biểu hiện nặng thêm, gia đình đã phải đưa bé tới Bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau thăm khám, bác sĩ chỉ định cho bé nhập viện điều trị nội trú vì viêm tiểu phế quản đã biến chứng viêm phổi nặng. Sau gần 1 tuần nằm viện, tình trạng bệnh của bé mới được đẩy lùi.

Tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bé T.A. (12 tháng tuổi, ngụ tại Cần Thơ) đã phải nằm viện điều trị hơn 1 tháng qua với cùng nguyên nhân viêm tiểu phế quản, biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Mẹ bệnh nhi cho hay, khi bệnh khởi phát bé bị sốt cao, được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị nhưng không thuyên giảm nên phải chuyển lên TPHCM. Sau nhiều tuần được hỗ trợ hô hấp, điều trị nội khoa tích cực sức khỏe của bé đang dần cải thiện.

Thời tiết chuyển mùa, vi rút “mê trẻ em” hoành hành gây bệnh - 2

Bệnh hô hấp nói chung đang tăng cao do thời tiết thay đổi kết hợp với môi trường ô nhiễm

Thống kê sơ bộ của các bệnh viện nhi cho thấy, trong tháng qua, số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp tăng cao. Hiện mỗi ngày tại Nhi Đồng 1 đang có hơn 270 bệnh nhi điều trị nội trú, tại Nhi Đồng Thành Phố mỗi ngày cũng có hơn 100 bệnh nhi đang được bác sĩ theo dõi, điều trị. Các bệnh viện đều có trẻ bị biến chứng viêm phổi phải hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, mỗi ngày các bệnh viện đang tiếp nhận hàng nghìn trẻ bị bệnh lý hô hấp đến thăm khám, điều trị ngoại trú.

Vi rút “mê trẻ em” chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu

Những ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin “vi rút lạ” gây bệnh hô hấp nguy hiểm cho trẻ em. Các bác sĩ cho biết, thông tin trên không chính xác, gây tâm lý lo ngại cho cộng đồng. Theo TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, “vi rút lạ" mà mạng xã hội đánh giá "dễ sợ" thực chất là vi rút hợp bào hô hấp gây bệnh viêm tiểu phế quản.

Gần đây, loại vi rút này được xác định là nguyên nhân chính gây ra viêm tiểu phế quản, chiếm 60 đến 70% số ca mắc bệnh hô hấp nên cộng đồng mới nhắc nhiều về chúng. Một số người mặc định hợp bào hô hấp là “vi rút lạ", đây là cách hiểu chưa đúng nhưng vô tình lan truyền nhanh trên mạng xã hội khiến các phụ huynh hoang mang vì nghĩ rằng có loại vi rút nguy hiểm với trẻ vừa xuất hiện.

Thời tiết chuyển mùa, vi rút “mê trẻ em” hoành hành gây bệnh - 3

Vi rút hợp bào hô hấp thường tấn công vào nhóm trẻ nhỏ, trẻ có sức đề kháng yếu

Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo vi rút hợp bào hô hấp (RSV) tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, chúng thường tấn công vào nhóm trẻ sở sinh và trẻ nhỏ, gây bệnh viêm tiểu phế quản nên được gọi là vi rút “mê trẻ em”. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tặng mạnh vào thời điểm giao mùa. Bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua hô hấp khi hít phải không khí có nhiễm vi rút. Tốc độ lây lan của vi rút hợp bào hô hấp được các bác sĩ đánh giá ở mức rất nhanh, chỉ đứng sau vi rút cúm.

Nhóm có nguy cơ bị bệnh tấn công là các bé dưới 2 tuổi, trẻ sinh non, trẻ mắc các bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng Down, suy giảm miễn dịch... Khi nhiễm bệnh, trẻ thường có biểu hiện chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém nên dễ nhầm với bệnh lý khác. Trẻ có thể tự khỏi sau 3 đến 5 ngày phát bệnh, những ca bệnh nặng, biến chứng trẻ thường khò khè, tím tái, bỏ ăn, suy hô hấp, ngừng thở...  

Thời tiết chuyển mùa, vi rút “mê trẻ em” hoành hành gây bệnh - 4

Cần hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, tăng cường các giải pháp dinh dưỡng nâng cao đề kháng để tránh nguy cơ nhiễm bệnh

Hiện vi rút hợp bào hô hấp chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những trẻ mắc bệnh có biến chứng nặng phải nhập viện, bác sĩ thường tập trung điều trị các triệu chứng trong suốt quá trình lây nhiễm. Mặt khác, hợp bào hô hấp không tạo được kháng thể bền vững, khi nhiễm vi rút trẻ vẫn đối mặt với nguy cơ bị tái nhiễm trong cùng một mùa hoặc vào các mùa tiếp theo.

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tăng cường dinh dưỡng để tăng khả năng đề kháng cho trẻ; giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Khi các bé có biểu hiện bệnh phụ huynh cần đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Vân Sơn