Thời tiết chuyển mùa, nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm

(Dân trí) - Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố cảnh báo, thời tiết giao mùa dịp cuối năm là môi trường thuận lợi cho sự lây lan nhiều loại bệnh truyền nhiễm, nguy cơ bùng phát dịch. Cộng đồng cần bảo vệ sức khỏe, tăng đề kháng cho cơ thể trước các tác động tiêu cực của thời tiết.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch

Theo kết quả giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại thành phố từ nhiều năm qua của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, từ khoảng tháng 12 năm trước cho đến hết tháng 3 năm sau khi thời tiết thay đổi là thời gian xuất hiện nhiều ca bệnh truyền nhiễm có biểu hiện đường hô hấp như cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella… Bệnh có thể xuất hiện rải rác trong cộng đồng nhưng cũng có thể gây nên các chùm ca bệnh trong các tập thể đông người như trường học, xưởng sản xuất, văn phòng.

Thời tiết chuyển mùa, nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm - 1

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị các loại bệnh truyền nhiễm tấn công

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, trong tháng 11 và những tuần đầu tháng 12, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại thành phố ghi nhận số ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng số ca bệnh sởi trong tháng 11 đang ở mức cao hơn so với cùng kỳ của tháng trước, đây là dấu hiệu cảnh báo những diễn biến khó lường của bệnh trong thời gian tới.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường tự khỏi song những ca bệnh nặng có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng. Nhóm những người bị bệnh mạn tính, phụ nữ có thai, trẻ quá nhỏ hoặc người già nguy cơ bị bệnh tấn công, biến chứng luôn ở mức cao.

Số ca bệnh nhập viện gia tăng dự báo sẽ gây áp lực lên lĩnh vực điều trị tại các bệnh viện đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi không may mắc bệnh, tránh tâm lý lo lắng, không tin tưởng bệnh viện tuyến cơ sở, dồn bệnh nhân lên tuyến trên gây quá tải, gia tăng nguy cơ nhiễm chéo ngay trong bệnh viện.

Cảnh giác cao độ với bệnh sởi

Sởi đã bùng phát trở lại trên quy mô toàn cầu và ghi nhận gia tăng ở khu vực các tỉnh phía Nam từ đầu tháng 8/2018. Đến nay, bệnh vẫn duy trì ở mức cao chứng tỏ sởi đang lưu hành trên diện rộng, độ bao phủ của vắc xin chưa đủ đáp ứng miễn dịch cho cộng đồng.

Theo BS Trương Công Hiếu, Viện Pasteur, TPHCM, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể gây viêm não dẫn tới tử vong. Đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan với tốc độ rất nhanh và thường bùng phát dịch.

Thời tiết chuyển mùa, nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm - 2
Giữ bàn tay sạch là giải pháp đơn giản giúp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả

Thực tế nghiên cứu, giám sát dịch sởi được BS Trương Công Hiếu cùng cộng sự thực hiện cho thấy, từ năm 2018 dịch sởi bùng phát trở lại và xuất hiện chủ yếu ở 20 tỉnh thành khu vực phía Nam. Điểm nóng của dịch sởi tập trung ở miền Đông Nam Bộ (chiếm 80% số ca bệnh) nơi có sự di biến động dân cư cao, nhiều khu công nghiệp. Thời điểm cuối năm và đầu năm mới khi người lao động về quê ăn tết, nguy cơ phát tán sởi và các bệnh truyền nhiễm nói chung ở mức báo động, chỉ cần vài giờ nguồn lây bệnh đã có thể tỏa đi khắp cả nước. 

Bác sĩ cảnh báo, sởi chủ yếu ghi nhận ở nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được chủng ngừa. Cứ mỗi trường hợp sốt phát ban nghi sởi được phát hiện trong cộng đồng thì có hơn 1,3 trường hợp khác được phát hiện mới. Do đó, việc giám sát chủ động từ gia đình đến bệnh viện đối với những ca bệnh chỉ điểm có các biểu hiện sốt, phát ban sẽ là phương án chủ động nhằm phát hiện, điều trị sớm bệnh sởi, tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng.

Vân Sơn