Thói quen khi ăn lẩu khiến nhiều người Việt rước bệnh

Minh Nhật

(Dân trí) - Lẩu là món ăn được nhiều người Việt ưa thích trong mùa đông. Tuy nhiên, có nhiều lưu ý khi thưởng thức món khoái khẩu này để tránh rước bệnh vào người.

Uống nước lẩu quá nóng, ăn quá nhanh

Theo BS Nguyễn Hoài Thu, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nhiệt độ của nồi lẩu đang sôi trên bếp có thể tới mức hơn 100 độ C.

Do đó, các loại thực phẩm lấy ra từ nồi lẩu rất nóng. Nếu ăn ngay sẽ khiến lớp da mỏng trong miệng bị tổn thương. Không dừng lại ở đó, lớp màng nhầy trong dạ dày bị ảnh hưởng bởi cách ăn này dẫn tới gây viêm loét dạ dày. Vì vậy, nên để cho thực phẩm nguội bớt rồi mới ăn.

Thói quen khi ăn lẩu khiến nhiều người Việt rước bệnh - 1

Không uống nước lẩu quá nóng, ăn nhanh (Ảnh minh họa: Getty).

Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, việc dùng đồ ăn nóng và căn bệnh ung thư vùng miệng, ung thư đường ruột là có liên quan với nhau.

Đó chính là bởi vì vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ C. Vượt qua ngưỡng nhiệt độ này, vách ngăn này sẽ bị tổn thương.

Nhúng rau và thịt quá tái

Nhiều người cho rằng, thực phẩm tái sẽ ngon và ngọt hơn. Tuy nhiên, việc ăn thực phẩm nhúng còn tái, đỏ rất dễ làm vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa.

Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, sán dây bò thường ký sinh trong phần thịt nạc của bò. Do đó, nếu chúng ta ăn các món từ thịt, nội tạng bò, lợn chưa được nấu chín như: chỉ nhúng tái, còn đỏ có thể dẫn đến việc bị nhiễm sán. 

Thói quen khi ăn lẩu khiến nhiều người Việt rước bệnh - 2

Việc ăn thực phẩm nhúng còn tái, đỏ rất dễ làm vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa (Ảnh minh họa: Getty).

Bên cạnh đó, các loại rau thủy sinh hay được dùng để nhúng lẩu như: rau cần, rau muống cũng cần được ăn chín kỹ bởi đây có thể là "ổ sán".

"Trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước. Nếu con người ăn sống các loại rau mọc dưới nước như: rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong… sẽ có nguy cơ mắc bệnh", BS Thiệu cho hay.

Không thêm nước lẩu mới

Theo BS Thu, nước lẩu càng đun lâu sẽ càng mặn vì nước cạn dần cũng như lượng gia vị tiết ra trong quá trình nhúng thực phẩm.

Bên cạnh đó, khi nước lẩu sôi trên bếp thời gian kéo dài sẽ khiến vitamin bị phân hủy, chất béo bị bão hòa, không tốt cho sức khỏe. 

Lượng purin, chất béo, natri và dầu mỡ trong nước lẩu về cuối sẽ tăng lên làm tăng axit uric trong máu, không tốt đối với người bị bệnh gout.

Do đó, không nên dùng nước lẩu đun trên bếp quá 60 phút mà nên thêm nước mới.

Những người cần lưu ý khi ăn lẩu

BS Thu cho biết, trong nước lẩu thường có nhiều gia bị cay nóng như sả, gừng, ớt... Do đó, những người bị đau dạ dày cần lưu ý khi ăn lẩu bởi gia vị cay, nóng sẽ tác động khiến dạ dày bị đau trở lại. Tốt nhất không nên ăn quá nhiều hoặc hạn chế đồ cay nóng trong nước lẩu, đồ chấm.

Phụ nữ có thai cũng thuộc trường hợp nên hạn chế ăn các loại lẩu có nhiều gia vị cay nóng vì không tốt cho thai nhi.

Trong khi đó, những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên hạn chế hoặc không nên ăn các loại lẩu nhiều đạm, mỡ (lẩu hải sản, lẩu lòng...).