Thoát vị đĩa đệm: Cần quan tâm ngay khi khởi phát
(Dân trí) - Dân văn phòng phải ngồi làm việc nhiều trong điều hòa, vận động ít, ăn uống thiếu lành mạnh, bia rượu, thuốc lá… khiến thoát vị đĩa đệm ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Cuộc giao lưu trực tuyến về điều trị, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm vì vậy “nóng” đến phút cuối.<br><a href='http://giaoluu.dantri.com.vn/Public/118/dang-ky-phong-van.html'><b> >> Xem toàn bộ nội dung cuộc giao lưu</b></a>
Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí (thứ ba từ trái sang) tặng hoa khách mời của buổi giao lưu.
Trong hơn 2 giờ, các bác sĩ, giáo sư bệnh viện Việt Pháp đã trực tiếp trả lời hơn 50 câu hỏi về các trường hợp cụ thể bạn đọc gửi đến, trong đó có không ít những bệnh nhân trẻ tuổi (trên dưới 30), nhân viên văn phòng…
Về biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi các triệu chứng như đau mỏit hắt lưng, đau mông, đùi; tê nửa người, tê ngang vai trái, tê 1 tay, tê chân… khó thở; “đứng lên, ngồi xuống rất khó, cảm giác bị cứng lưng, vận động rất khó, thậm chí rất sợ phải hắt hơi” có phải là biểu hiện của thoát vị đĩa đệm không?
ThS. BS Nguyễn Năng Tấn, Chuyên khoa Nội thần kinh, bệnh viện Việt Pháp, cho biết: các triệu chứng trên đều là biểu hiện của thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, để xác định thoát vị đĩa đệm có ép rễ thần kinh hay không, thoát vị hay do viêm rễ thì cần phải đi khám, làm các xét nghiệm mới có thể chẩn đoán chính xác.
“Về nguyên tắc những triệu chứng thoái hóa cột sống hoặc thoái hóa đĩa đệm sẽ là điều kiện thuận lợi cho chứng thoát vị đĩa đệm hình thành sau này, nhất là khi chúng ta có những yếu tố sang chấn như mang vác quá nặng, những tư thế thể thao quá xoắn vặn, ví dụ như tập tennis, cầu lông, bóng đá... Nên để hạn chế tiến triển thoát vị đĩa đệm, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thể thao phù hợp và có thể bổ sung các yếu tố vi chtất như canxi, vitamin D, chất khoáng…”, BS Nguyễn Năng Tấn khuyên.
Về phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, GS. BS Frédéric Hor - Chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, BV Việt Pháp, cho biết: đây là phẫu thuật với độ xâm lấn ít nhất, bảo tồn tối đa cấu trúc tự nhiên của đĩa đệm và cột sống, để lấy đi khối thoát vị gây chèn ép vào tủy hoặc rễ thần kinh.
Theo GS Frédéric Hor, mỗi ca mổ phẫu thuật TVĐĐ thường kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi điện tử để tiến hành quá trình vi phẫu lấy khối đĩa đệm thoát vị ra khỏi cơ thể bệnh nhân rồi cố định phần vừa được phẫu thuật lại. Nhờ có kính hiển vi điện tử mà các thao tác trong vi phẫu điều trị TVĐĐ diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn so với mổ bằng mắt thường, vết mổ sẽ rất nhỏ, hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ.
Thời gian lưu viện trung bình từ 3 - 4 ngày. Tại bệnh viện Việt Pháp, các bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng ngay ngày hôm sau. Thời gian hồi phục hoàn toàn là sau khoảng 3,4 tuần. Chi phí mổ dao động từ 45-60 triệu đồng.
Với trường hợp bị thoát vị đĩa đệm 2 đốt sống L4 L5 đã 3 năm nay, giờ khi làm việc hoặc đi lại nhiều thỉnh thoảng bị rối loạn cơ tròn gây đại tiện không tự chủ, GS. Fréderic Hor tỏ ra ngạc nhiên vì sao bạn đọc chưa đi điều trị vì đây là trường hợp có chỉ định mổ cấp cứu để giải phóng chèn ép.
Vẫn còn hàng trăm câu hỏi được gửi đến trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp các bác sĩ chưa thể giải đáp ngay. Các câu hỏi sẽ được gửi lại các bác sĩ, giáo sư để tiếp tục trả lời bạn đọc.
Ngoài ra, từ ngày 16/12/2013 đến hết 28/02/2014, GS. Fréderic Hor sẽ khám và tư vấn miễn phí cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Vui lòng đặt hẹn trước theo số điện thoại 043 577 1100.
Báo Điện tử Dân trí