1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thịt gà "sạch" đâu nguy hiểm gì!

(Dân trí) - Trên một số phương tiện truyền thông gần đây có đăng tải nội dung “sự thật khủng khiếp về thịt gà” khiến nhiều người tiêu dùng “sốc”.Nhiều bạn đọc thắc mắc: Thịt gà có khủng khiếp như thế hay không? TS.BS Trần Bá Thoại, chuyên gia Nội tiết & Chuyển hóa, cho ý kiến về vấn đề này.

Thịt gà "sạch" đâu nguy hiểm gì! - 1

Thịt gà là một thực phẩm tốt, thông dụng!

Theo bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, 100gam thịt gà có chứa các thành phần cơ bản gồm 65,4g nước, 20.3 g chất đạm, 13,1g chất béo, không có chất đường bột và chất xơ. Vào cơ thể được chuyển hóa sinh ra được 199kcalo năng lượng..

Từ thịt gà, các bà nội trợ và nhà bếp chuyên nghiệp chế biến ra vài chục món ăn. Từ món đơn giản nhất là gà luộc chặt miếng hay xé bóp, đến những món “cao siêu” như gà nấu nấm, gà hầm thuốc bắc….nói chung món nào cũng hấp dẫn..

Trong các lễ tiệc, liên hoan, hội nghị… thịt gà gần như là món ít khi thiếu để chưng trên bàn thờ cũng như để dọn ra mâm cỗ, bàn tiệc. Ngay trong bàn bia rượu lai rai cuối ngày, các món cổ, cánh, chân, nội tạng gà là những món các đệ tử lưu linh ưa thích.

Thịt gà “bẩn” đang đe dọa sức khỏe chúng ta

Thực phẩm có thể ô nhiễm bởi 3 nhóm nguyên nhân: (1) các vi sinh vật gây bệnh, (2) các độc tố của vi sinh vật và (3) các hóa chất độc nhiễm vào thức ăn và thịt gà không ngoài ngoại lệ.

Trước đây, ngoài một số rất ít độc chất sản sinh ra trong quá trình chế biến, thức ăn thường bị nhiễm bẩn bởi các vi sinh vật xảy ra trong quá trình bảo quản, chế biến thức ăn nên việc phòng ngừa tương đối đơn giản: ăn chín, uống sôi, không dùng loại ôi thiu, ẩm mốc, thiếu phẩm chất và nếu lỡ bị nhiễm trùng thức ăn thì đã có kháng sinh thích hợp.

Phức tạp hơn là nhiễm độc chất thức ăn. Ngoài những chất độc trong canh tác như thuốc bảo vệ thực vật, diệt chuột, trừ sâu, diệt cỏ, bảo quản hạt giống…, hiện nay, có một số nhà sản xuất, canh tác đã dùng những hóa chất cấm bừa bãi để vỗ béo, tạo nạc, tăng trọng hay đơn giản hơn là làm cho thực phẩm "bắt mắt" hơn. Vì là chất cấm, nên rõ ràng những phụ gia "phi pháp" này thật sự là chất độc, gây họa cho người.


Gà sạch và Gà bẩn (nhuộm vàng Ô và nướng “xối mỡ” quá cháy)

Gà sạch và Gà bẩn (nhuộm vàng Ô và nướng “xối mỡ” quá cháy)

Điểm danh độc chất "bẩn" có thể có trong thịt gà

* Chất độc phát sinh trong quá trình chiên rán: Thịt gà thường hay được chiên, rán, quay xối mỡ…Trong quá trình này thường ít nhiều sản sinh ra ba chất độc là Acrolein, Acrylamide và các Trans fat.

* Chất độc phát sinh trong quá trình chăn nuôi, bảo quản: Trong quá trình chăn nuôi, bảo quản thực phẩm, chắc chắn nhà sản xuất, phân phối phải dùng thuốc tiêm chủng (vắc xin), thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia bảo quản cho phép…Cần theo đúng quy trình sử dụng để an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

* Chất độc do con người tự "đầu độc": Khá nhiều chất "cấm", chất độc hại được người chăn nuôi, thương lái gia xảo sử dụng để kiếm lợi nhuận cuối cùng "đầu độc" người tiêu dùng. Nổi bật hiện nay đã phát hiện trên thịt gà bẩn là: Vàng Ô, chất nhuộm vàng thịt gà; Salbutamol và Clenbuterol để tạo nạc, Maltol để tạo mùi thơm..

Đôi điều bàn luận

Trừ một số trường hợp hy hữu, hiếm gặp, là dị ứng với cách giải quyết duy nhất là không dùng thịt gà nữa, đại đa số chúng ta đều có thể và nên dùng thịt gà trong thức ăn bình thường.

An toàn thực phẩm là một vấn đề y tế, xã hội nổi cộm, “nóng bỏng” hiện nay. Không chỉ người tiêu dùng mà cả các cơ quan quản lý đang “đau đầu” với những thực phẩm không an toàn, đặc biệt là thực phẩm được cho những phụ gia, hóa chất cấm. Do đó, cần có sự chung tay của cả xã hội để giải quyết vấn đề này.

Để tự bảo vệ mình người tiêu dùng cần chủ động:

(1) Mua, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, có thẩm định an toàn vệ sinh như có đóng dấu thú y, có nhãn mác quy định, có hướng dẫn sử dụng hẳn hoi.v.v… Không nên đánh giá cảm quan qua màu sắc, hình dáng …vì đây chỉ là yếu tố gợi ý, đã có rất nhiều thực phẩm độc hại nhưng màu sắc, diện mạo lại “hấp dẫn” người tiêu dùng; nhiều loại rượu “uống không đau đầu” nhưng chứa chất độc hại;

(2) Cần hết sức lưu ý đến các độc chất phát sinh trong quá trình bảo quản như thuốc bảo vệ thực phẩm, kháng sinh hay trong quá trình chế biến chất acrolein, acrylamide, trans fat trong đồ ăn chiên rán…

Tóm lại, thịt gà tốt, giá trị dinh dưỡng cao; “nguy cơ”, nếu có, là do chúng ta “tự đầu độc” bản thân mình.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam