Thêm bệnh vì vào... viện

(Dân trí) - Thực tế tại nhiều bệnh viện công tác chống nhiễm khuẩn chưa được làm tốt dẫn đến lây chéo bệnh. Bệnh nhân từ chỗ chỉ có một bệnh, bị lây chéo thêm bệnh khác dẫn đến thời gian điều trị dài hơn, tốn tiền hơn…

Thêm bệnh tật, tăng chi phí

Tại Hội nghị "Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác KSNK trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2015" diễn ra 2/10 tại Hà Nội, GS.TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện Hà Nội cho biết, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện của Việt Nam hiện dao động 5-8%, trong khi ở Mỹ tỷ lệ này là khoảng 5%.
 
Thêm bệnh vì vào... viện
Nhân viên y tế Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) hướng dẫn người nhà bệnh nhân rửa tay trước, sau chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: H.Hải
 

Một nghiên cứu của Bộ Y tế được thực hiện vào 2006-2007 tại 62 bệnh viện ở miền Bắc thì tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại tuyến tỉnh, thành phố là cao nhất 8,3%, sau đó là tuyến quận, huyện là 6,4%. Tại tuyến trung ương, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng ở mức 5,4%. Hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện là làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân từ 9- 24,3 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng.

Hậu quả là của nhiễm khuẩn bệnh viện là làm tăng thêm gánh nặng chi phí, thời gian điều trị của người bệnh. Ví như với bệnh nhân sau mổ tim, nếu không bị nhiễm khuẩn thời gian hồi phục sẽ nhanh hơn. Nhưng nếu có nhiễm khuẩn gây nhiễm trùng vết mổ sẽ là một nỗi khốn khổ với những bệnh nhân này bởi nhiễm khuẩn bệnh viện làm bệnh càng nặng hơn, thời gian điều trị dài hơn, đáng nhẽ chỉ nằm viện điều trị 1 tuần thì nay 2-3 tuần, tốn kém, kinh phí tăng lên.

Chị Hương Giang (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cũng đã từng trải qua một đợt chăm sóc con trai 2 tuổi bị bệnh kép khi nằm viện. “Con tôi nhập viện vì mất nước do tiêu chảy vi-rút. Tuy nhiên khi nằm viện điều trị, dù chỉ trong 2 ngày nhưng con tôi đã bị ho mà bác sĩ giải thích là viêm phổi bệnh viện. Con đã lười ăn vì nôn trớ do tiêu chảy, lại phải dùng kháng sinh điều trị viêm phổi khiến cu cậu rạc cả người. Nhưng từ đó tôi cũng có thêm một kinh nghiệm trong chăm sóc trẻ, đó là không chỉ giữ đôi tay mình sạch khi chăm con mà đôi tay con cũng phải sạch, tuyệt đối không chỉ dùng khăn ướt lau tay con mà luôn phải nhớ rửa tay xà phòng thường xuyên cho con để phòng bệnh”, chị Giang nói.

“Với bệnh nhân mổ tim, nhiễm trùng vết mổ không chỉ làm tăng chi phí, thời gian điều trị mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim hoàn toàn là do y tá, điều dưỡng thực hiện, người nhà chỉ đóng vai trò chăm nuôi. Hay như với việc kê kháng sinh phòng nhiễm khuẩn cho bệnh nhân sau mổ phải giám sát rất chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng" một bác sĩ điều trị tại Viện tim mạch (BV Bạch Mai) cho biết.

Nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cao ở khu vực cấp cứu và ngoại khoa. Theo thống kê, 4 bệnh thường gặp trong nhiễm khuẩn bệnh viện là viêm phổi bệnh viện do dùng máy thở; nhiễm khuẩn đường tiết niệu do đặt xông, thông tiểu, vệ sinh không tốt; nhiễm khuần vết mổ - vô trùng không tốt, gây mủ, lâu lành; nhiễm khuẩn huyết  rất nguy hiểm bởi vi khuẩn xâm nhập vào máu…

Không chỉ đe dọa đến sức khỏe người bệnh, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện cũng làm gia tăng tỷ lệ kháng kháng sinh. Vì các vi khuẩn bệnh viện thường kháng kháng sinh, tỷ lệ kháng rất cao, khó điều trị, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ kháng gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân làm tăng nhiễm khuẩn bệnh viện lại là lạm dụng kháng sinh. Nguyên do là do sử dụng kháng sinh bừa bãi, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn cũng dùng thuốc, lạm dụng nhiều liều thuốc kháng sinh để dự phòng… gây gia tăng vi khuẩn kháng thuốc và vi khuẩn này dễ dàng lây lan trong môi trường bệnh viện, gây gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.
 
 Chưa được đầu tư đúng mức

Theo GS Trần Quỵ, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện mang thêm bệnh tật và gánh nặng chi phí cho người bệnh, tuy nhiên đến nay việc đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn còn hạn chế.

TS Trần Quang Huy, Phòng Điều dưỡng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa hoàn thiện theo yêu cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý vừa thiếu vừa chưa đủ năng lực, phần lớn chưa được đào tạo. Cơ sở hạ tầng và phương tiện thiết yếu phục vụ kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu, nhất là tại các bệnh viện tuyến huyện…

Kết quả điều tra "Thực trạng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2012" tại 522 bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cho thấy các bệnh viện chưa chú ý xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý kiểm soát nhiễm khuẩn. Chỉ khoảng 57,9% bác sĩ là trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và con số này giảm dần từ trung ương tới tuyến huyện. Tại các bệnh viện tỉnh, huyện có khoảng 10% người đứng đầu về kiểm soát nhiễm khuẩn là người có nghề nghiệp chuyên môn không liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn (là kỹ sư, cử nhân kinh tế… ).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy hầu hết các bệnh viện chưa đảm bảo được các cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ cho công tác KSNK bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, 67%  bệnh viện chưa có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt tiêu chuẩn, hầu hết các khoa lâm sàng chưa có buồng cách ly, buồng riêng để thu gom đồ vải, dụng cụ sau sử dụng hay buồng riêng để chứa chất thải. Đặc biệt, tới nay còn trên 50% bệnh viện còn thiếu điểm vệ sinh rửa tay tại mỗi buồng bệnh. Bên cạnh đó, chỉ có 24,9% số bệnh viện thực hiện hoạt động giám sát vi khuẩn kháng thuốc, việc giám sát vi sinh khu vực lây nhiễm cao cũng chỉ đạt 49,6%.

Vậy làm thế nào để kiểm soát được nhiễm khuẩn bệnh viện? Theo GS Quỵ, để làm được điều này phải củng cố hệ thống tổ chức, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh phải theo phác đồ, không nên lạm dụng.

Bên cạnh đó, việc rửa tay trong bệnh viện vô quàng quan trọng. Thực tế, nếu rửa tay tốt thì giảm 40-50% trường hợp nhiễm khuẩn. “Thay đổi hành vi  là một việc rất khó, cần thời gian. Tại Việt Nam, tỷ lệ rửa tay lúc đầu chỉ là 10-15% nhưng nay sau nhiều chương trình can thiệp, tỷ lệ này đã nâng lên được 40-50%, có nơi 60%”, GS Trần Quỵ nói.

Hồng Hải