Thêm 60 tháng lương bác sĩ vẫn không lên Mù Cang Chải

Tỉnh đãi ngộ rất rộng rãi cho người tình nguyện lên Mù Cang Chải, Trạm Tấu, hoặc vào các khoa lao, lây, HIV-AIDS, pháp y, tâm thần làm việc, nhưng không ai nhận lời - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Lường Văn Hom nói.

“Bác sĩ mới ra trường về tỉnh Yên Bái thôi, kể cả bệnh viện tỉnh, được luôn 62 triệu đồng, dược sĩ 52 triệu. Tết vừa rồi tôi đã chi trả hơn 5 tỷ đồng cho các đối tượng này”, ông Lường Văn Hom cho biết. “Sau đó, nếu họ tình nguyện lên Mù Cang Chải, Trạm Tấu, hoặc vào các khoa lao, lây, HIV-AIDS, pháp y, tâm thần, thì được nhận thêm 60 tháng lương”.

 

“Nhưng đến giờ chưa có ai xung phong”, GĐ Sở Y tế Yên Bái nói. “Tôi đã ngồi cả một buổi chiều nói chuyện với 22 bác sĩ trẻ vừa về bệnh viện tỉnh, giới thiệu toàn bộ chính sách, nhưng cháu nào cũng muốn vào khoa sản, ngoại, nội và ở thành phố thôi”.

 

Thêm 60 tháng lương bác sĩ vẫn không lên Mù Cang Chải

Chị Nguyễn Thị Hậu, một trong 9 bác sĩ tại BV đa khoa huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang khám cho một bệnh nhân nhỏ tuổi mắc sởi. (Ảnh: Chung Hoàng)

 

Giảm điểm trường Y để tỉnh nghèo có bác sĩ?

 

22 bác sĩ này vừa là con em của tỉnh Yên Bái được cử đi học, vừa là những người nhờ chính sách đãi ngộ trên mà tỉnh thu hút về được, gia nhập đội ngũ 100 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.

 

Họ chủ yếu tốt nghiệp từ các trường Y Thái Nguyên, Thái Bình, chỉ có 6 người là từ ĐH Y Hà Nội. Bệnh viện ở các huyện như Yên Bình, Văn Chấn lại càng không có bác sĩ học ở thủ đô về. Huyện Trạm Tấu thậm chí còn chưa có bệnh viện huyện vì chưa có vốn xây dựng.

 

Những thông tin này được tỉnh Yên Bái báo cáo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi bà về làm việc nhân dịp dự lễ ra quân đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo.

 

Có cơ hội kiến nghị trực tiếp với người đứng đầu ngành, bác sĩ Bùi Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Bình nói thẳng: Điểm đầu vào ĐH Y Hà Nội cao quá, năm nay có những em 9 điểm mỗi môn mà không đỗ.

 

“Nếu hạ xuống khoảng 25 điểm thì sẽ có thêm nhiều bác sĩ được đào tạo chuyên khoa chính quy, có thêm nguồn để bổ sung cho các bệnh viện địa phương”, ông Thành nói.

 

Bộ trưởng Tiến chia sẻ: Các bệnh viện địa phương, không những ở huyện mà cả ở tỉnh, đang cần các bác sĩ chuyên khoa lẻ và y tế dự phòng. Hiện nay những bác sĩ như vậy không về tuyến dưới đã đành, mà chọn học ở các trường Y cũng ít.

 

“Điểm đầu vào các trường Y cao cũng khiến học sinh đổ về các khoa phổ biến, không ai vào những chuyên khoa lẻ như tâm thần, pháp y thì những chuyên khoa này tuyệt chủng mất”, bà Tiến nói.

 

Theo Bộ trưởng, “giảm điểm đầu vào không phải không khả thi, nhưng quan trọng là buộc được người học xong phải về địa phương. Thế thì phải ký hợp đồng, cam kết, hỗ trợ tiền đào tạo, thậm chí giữ bằng”.

 

Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp đào tạo theo địa chỉ. Tỉnh Yên Bái cho biết đã cử con em vài trăm người học ở các trường Y Thái Nguyên, Thái Bình, hy vọng mấy năm nữa sẽ có thêm bác sĩ về làm việc.

 

Phần lớn số này sẽ có chỗ trong bệnh viện đa khoa tỉnh 500 giường mới đang xây dựng để giảm tải cho bệnh viện 300 giường hiện có.

 

Thêm 60 tháng lương bác sĩ vẫn không lên Mù Cang Chải
Các bác sĩ trẻ về khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con Mù Cang Chải nhân dịp lễ ra quân. (Ảnh: Chung Hoàng)

 

Bệnh viện không cần thạc sĩ, tiến sĩ

 

Tuy vậy, Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý địa phương: “Tại sao tốn tiền cử người đi học chuyên tu nâng cao lại không học chuyên khoa sâu, mà toàn học lên thạc sĩ, tiến sĩ?”.

 

“Vì giờ chỗ nào cũng thích học vị, bằng cấp. Nhưng thạc sĩ, tiến sĩ thì chỉ đi nghiên cứu, giảng dạy, chứ các bệnh viện cần những người chữa trị trực tiếp”, Bộ trưởng Y tế nhắc nhở.

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Giám đốc các bệnh viện cũng không cần bằng cấp, mà cần bồi dưỡng tay nghề chuyên môn, năng lực quản lý bệnh viện về nhân sự, tài chính, tổ chức và quy chế dân chủ cơ sở.

 

“Một cách khác là bệnh viện trung ương luân phiên cử bác sĩ về giao lưu chuyên môn, hoặc trao đổi trực tuyến, giúp bác sĩ tỉnh nâng cao tay nghề. Bác sĩ tỉnh cũng phải đi nghĩa vụ ít nhất một năm về huyện, có thế thì Mù Cang Chải và Trạm Tấu mới không lo thiếu bác sĩ”, bà Tiến nói.

 

 

Theo Chung Hoàng
 VietNamnet