Thay vì nhịn ăn, hãy thực hiện "biện pháp kép" này để giảm cân sau Tết
(Dân trí) - Chế độ ăn giàu năng lượng dịp Tết dễ khiến chúng ta bị thừa cân, béo phì. Để lấy lại vóc dáng "chuẩn chỉnh", theo các chuyên gia, cần phải kết hợp chế độ ăn cân bằng, khoa học và vận động thể chất.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để tránh thừa cân, béo là do chế độ ăn bất hợp lý, cùng với lối sống ít hoạt động thể lực. Vì vậy, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cùng với lựa chọn phương pháp, cách thức hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để thích ứng trong mùa dịch tại nhà là giải pháp để có được cân nặng phù hợp.
Ăn uống khoa học, thay vì nhịn ăn
Để giảm cân, tránh béo phì, theo các chuyên gia, cần thiết kế cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng thay vì nhịn ăn cực đoan.
Chế độ ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể. Cụ thể, bữa ăn cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối.
Nhóm rau quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật. Cần lưu ý, với những người thừa cân, béo phì nên hạn chế các loại quả ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải,… ăn đa dạng các loại rau quả, đa màu sắc.
Hạn chế tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, phô mai, các món xào rán, não, tim, gan, nội tạng. Các loại đồ ngọt như: đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại sữa có đường,…vì chúng chứa nhiều năng lượng làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Vận động thể chất phù hợp với thể trạng
Tăng cường hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, giảm thừa cân, béo phì. Những hoạt động thể lực phù hợp theo lứa tuổi, duy trì đều đặn mỗi ngày và thường xuyên thay đổi giúp cho cơ thể phát triển khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ và sảng khoái.
Vận động thể chất còn giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể phòng chống dịch bệnh, giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, nâng cao kỹ năng sống, giảm stress.
Khi hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20-30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5-10 phút.
Thời điểm thể dục tùy theo mùa, thời tiết, bình thường buổi sáng khoảng từ 7h-10h, buổi chiều từ 15h-17h, khi hoạt động thể lực làm mồ hôi tiết ra kéo theo chất độc trong cơ thể thải ra và nó tỷ lệ thuận với lượng mồ hôi. Hoạt động ít nhất từ 30-60 phút chia làm 2-3 lần/ngày, ít nhất 150 phút/tuần, không nên vận động thời gian quá dài và quá sức.