Thay đổi nhỏ trong lối sống, biến chuyển lớn trong dự phòng ung thư
(Dân trí) - Không ít loại ung thư tới từ những thói quen có hại trong lối sống cũng như môi trường sinh hoạt hàng ngày của chúng ta.
Ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn
Ung thư đại trực tràng
Theo số liệu của WHO năm 2018, ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 là hơn 13.000 ca và đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca (tỉ lệ 13,4/100.000 dân), gấp gần 3 lần trong vòng 18 năm, trong đó có gần 9.300 ca tử vong, tỉ lệ 13,4/100.000 dân.
Trong những năm qua, ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư phổ biến nhất trên thế giới và tại Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phần lớn do lôi sống, thói quen ăn uống. Theo đó, người dân dần thích nghi với lối sống của phương Tây, ăn nhiều thịt đỏ, đồ ăn nhanh, lười ăn rau xanh, trái cây. Kèm theo đó là uống rượu, hút thuốc, ít vận động... làm gia tăng tình trạng béo phì. Lối sống không lành mạnh làm gia tăng nguy cơ ung thư nói chung, trong đó có ung thư đại trực tràng.
Các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn. Ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%; dưới 10% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn sống quá 5 năm.
Tuy nhiên tại Việt Nam, có tới 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là giai đoạn 3-4 nên điều trị gặp nhiều hạn chế.
Để phòng bệnh, người dân hãy điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động, khám sức khoẻ định kỳ để được tầm soát sớm nguy cơ mắc bệnh. Phát hiện bệnh ung thư càng sớm, cơ hội điều trị khỏi càng cao.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư tiêu hóa thường gặp hiện nay và con số mắc ung thư dạ dày hàng năm trên thế giới có xu hướng gia tăng.
Theo WHO, năm 2018, ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động. Ở Việt Nam thì cũng ước tính năm 2018 có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và tỉ lệ tử vong là hơn 15.000 ca, căn bệnh này hiện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Đáng nói, căn bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân thường đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát.
Trong thực tế, nhiều người cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc giả đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày. Trong khi đó, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong. Việc siêu âm, chụp dạ dày có cản quang cũng chỉ phát hiện ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn.
Trong những trường hợp mà bệnh ung thư tiến triển hơn thì chúng ta có thể thấy những hấu hiệu rõ hơn ví dụ như bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, bệnh nhân có thể đau, buồn nôn, và thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút. Đây là những biểu hiện bệnh tiến triển của ung thư giai đoạn muộn hơn.
Việc phát hiện sàng lọc sớm ung thư dạ dày hiện nay, phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp nội soi dạ dày bằng ống mềm cho phép chúng ta đánh giá toàn bộ niêm mạc trọng dạ dày, và nếu có tổn thương chúng ta có thể sinh thiết để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.
Vì thế, mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh lý và được điều trị. Đặc biệt với ung thư dạ dày, để phát hiện không chỉ đơn giản khám sức khỏe thông thường, mà buộc phải tiến hành nội soi dạ dày để có thể phát hiện sớm ung thư.
Để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi để có thể nhìn thấy tổn thương và lấy mẫu tế bào để sinh thiết, làm các xét nghiệm khác. Phương pháp nội soi không chỉ phát hiện mà còn là phương pháp điều trị. Như với người mắc bệnh ở giai đoạn sớm, người ta có thể qua nội soi hớt phần niêm mạc bị ung thư và giữ nguyên dạ dày, bệnh nhân sống thêm vài năm. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn bệnh nhân vừa phải phẫu thuật, xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó khăn. Vì thế, việc nội soi định kỳ ở người có tiền sử đau dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng.
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.