Thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số gấp hai lần so với trẻ em người Kinh

(Dân trí) - PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi của trẻ em đang được cải thiện tốt, thì tình trạng này ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số còn rất cao. Cứ 3 trẻ ở đây thì có hơn 1 trẻ bị thấp còi.

Tại hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông về dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số” diễn ra ngày 8/12 tại Viện Dinh dưỡng, bà Mai cho biết, những năm qua tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã dần giảm xuống. Theo đó, tỷ lệ trẻ nhẹ cân giảm từ 17,5% (năm 2010) xuống còn 13,6% (năm 2016). Tuy nhiên, vẫn còn gần ¼ trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi, với tỷ lệ 24,3%.

Đặc biệt, trong nhóm thấp còi, trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số là 32,1%, cao gấp hai lần so với trẻ em người kinh (16,2%).

Thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số gấp hai lần so với trẻ em người Kinh - 1

Trong khi đó, một trẻ thấp còi nặng khi 3 tuổi (với chiều cao khoảng 81cm thì ở tuổi trưởng thành, chiều cao đạt được chỉ khoảng 1m58cm. Ở trẻ thấp còi vừa, chiều cao khi trưởng thành lên được khoảng 162,5cm… và với trẻ phát triển tốt lúc 3 tuổi, chiều cao khi trưởng thành có thể đạt trên 1m70. Như vậy, trẻ thấp còi khi nhỏ sẽ thiệt thòi ít nhất 10cm so với bạn bè cùng lứa khi trưởng thành.

TS Mai cho rằng, khẩu phần ăn thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng là một trong những nguyên nhân lớn khiến trẻ em bị suy sinh dưỡng. Một điều tra được thực hiện về khẩu phần ăn cho trẻ em miền núi cho thấy phần lớn đều không đạt nhu cầu về chất đạm, lipit…

Theo bà Dragana Strinic, Giám đốc Quốc gia Tổ chức cứu trợ trẻ em cho rằng, sinh dinh dưỡng thấp còi là một trong những vấn đề bức thiết bởi những tác động của nó kéo dài trong suốt vòng đời của trẻ. Suy dinh dưỡng thấp còi để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ, bao gồm cả sự phát triển não bộ, làm giảm sức sản xuất khi trẻ đến tuổi trưởng thành…

Trong khi đó, trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi gấp 2 lần tỉ lệ trẻ em người Kinh, do nhiều lý do về tập quán, về những khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe… “Phụ nữ dân tộc thiểu số thường cho trẻ ăn thô từ rất sớm, 2 – 3 tuổi đã cho ăn cơm; một số vùng không đủ lương thực mùa giáp hạt, không tiếp cận được nước sạch, vệ sinh…”, bà Dragana Strinic nói.

Chiến dịch “Vì mọi trẻ em” với chủ đề “Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số”. là một sáng kiến nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số Việt Nam.

Các chuyên gia khuyến khích các bà mẹ áp dụng chế độ ăn lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt trong thời kỳ mang thai. Khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sửa mẹ và chỉ ăn bổ sung khi con được 6 tháng tuổi. 1000 ngày đầu tiên trong cuộc đời mỗi trẻ là giai đoạn quan trọng nhất đối với các can thiệp chống suy dinh dưỡng thấp còi.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm