Thanh Hóa: Dịch lợn tai xanh bùng phát

(Dân trí) - Tình hình dịch lợn tai xanh đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Đến nay đã có hàng trăm con lợn bị nhiễm bệnh tai xanh.

Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 19/3, dịch tai xanh trên đàn lợn đã xuất hiện tại 7 xã, thuộc 3 huyện là: Triệu Sơn, Thiệu Hóa và Đông Sơn. Đã có hàng trăm con lợn bị nhiễm bệnh, ốm, chết.


Trước đó, người dân và các cơ quan chức năng đã phát hiện ra dịch bệnh tại một số thôn của xã Đông Thịnh. Đến ngày 20/3, dịch bệnh đã lây lan sang 2 xã khác là Đông Hoàng và Đông Ninh (Đông Sơn).

Trong đó tại xã Đông Hoàng đã có 4 thôn có lợn mắc bệnh tai xanh với tổng số lợn mắc bệnh cho tới thời điểm này là hơn 50 con. Còn tại xã Đông Ninh đã phát hiện 3 thôn có lợn bị dịch bệnh tai xanh với 115 con/1178 con toàn xã.

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, các cơ quan chức năng huyện Đông Sơn đã huy động cán bộ thú y của huyện kết hợp với Đài truyền thanh của huyện, xã để thông báo cho nhân dân biết tình tình dịch bệnh. Đồng thời gửi văn bản hướng dẫn về cách phòng chống dịch xuống tất cả các thôn và người dân.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng.

Ông Lê Xuân Vàng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đông Sơn cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về dịch bệnh tai xanh, chúng tôi đã triển khai chỉ đạo của UBND huyện về công tác phòng dịch trên địa bàn toàn huyện. Một số biện pháp để đối phó với dịch bệnh được triển khai gấp như: Thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn về dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nghiêm cấm việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn, quay vùng dịch để phòng tránh lây lan ra các xã khác…. Đồng thời thúc giục chính quyền các xã có dịch ngay lập tức lập những chốt kiểm dịch để không cho dịch bệnh lây lan ra khỏi địa bàn”.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tai xanh, ngày 19/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện số 5 CĐ - UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn và lở mồm long móng ở đàn gia súc, yêu cầu Sở NN&PTNT, các Sở ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lực lượng, tập trung thực hiện các giải pháp dập dịch như: Tiêm phòng vắc xin tai xanh cho đàn lợn; hướng dẫn người dân tiêu hủy lợn bị chết và mắc bệnh nặng; giám sát việc thực hiện dập dịch ở các địa phương; đồng thời, nghiêm cấm vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Riêng đối với các địa phương chưa có dịch, phải nắm chắc số lượng đàn lợn trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; thực hiện nghiêm phương án “3 không”: không giấu dịch bệnh; không bán chạy lợn bị bệnh và không vứt xác lợn chết bừa bãi.

Trước đó, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa thì dịch Lở mồm long móng đã làm 241 con lợn của 5 xã thuộc 3 huyện: Thạch Thành, Hoằng Hóa và Tĩnh Gia bị nhiễm bệnh; trong đó 143 con đã được tiêu hủy. Bên cạnh đó, dịch tai xanh làm cho 332 con lợn của 2 xã Dân Lý, Đồng Tiến (huyện Triệu Sơn) bị nhiễm bệnh.

Lập nhiều chốt kiểm dịch quanh khu vực vùng có dịch.
Lập nhiều chốt kiểm dịch quanh khu vực vùng có dịch.

Ngoài ra, bệnh tụ huyết trùng trâu bò xảy ra tại 2 xã Xuân Chinh và Vạn Xuân (huyện Thường Xuân) làm 42 con trâu bò ốm, chết. Được biết, đến nay dịch tụ huyết trùng trâu, bò cơ bản đã được ngăn chặn.

Các ngành chức năng đã thành lập 18 chốt kiểm dịch kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, buôn bán gia súc ra vào vùng dịch; tiêm phòng bao vây vùng dịch với 12.000 liều vắc xin lở mồm long móng tại các huyện: Thạch Thành, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia; 3.000 liều vắc xin tụ huyết trùng tại Thường Xuân và 1.500 liều vắc xin tai xanh ở huyện Triệu Sơn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân cùng phối hợp các cơ quan chức năng tham gia dập dịch.

Duy Tuyên