1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Thần dược” thuốc cam lại gây họa, 6 trẻ nhập viện cấp cứu

(Dân trí) - Bị sốt, lở loét miệng; bị viêm da cơ địa; hay đơn giản chỉ là bé kém ăn… nhiều phụ huynh tin tưởng vào loại thuốc cam thần thánh không rõ nguồn gốc chữa bách bệnh để rồi nhiều trẻ rơi vào tình trạng hôn mê, co giật vì ngộ độc chì trong thuốc cam. Những di chứng do ngộ độc chì có thể để lại suốt đời.

Từ chữa loét miệng, nhập viện vì hội chứng não cấp 

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam chữa bệnh.

Đáng nói, 6 trẻ với những biểu hiện khác nhau nhưng gia đình vốn mặc định thuốc cam là “thần dược” chữa đủ mọi loại bệnh từ kém ăn, tưa lưỡi, viêm loét miệng… nên mua cho trẻ dùng. Kết quả bệnh không khỏi, cân nặng không lên nhưng các bé đều có chung đặc điểm ngộ độc chì phải nhập viện cấp cứu.

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé Nguyễn Phan Bảo N (7 tháng tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 15/5 trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài.

“Thần dược” thuốc cam lại gây họa, 6 trẻ nhập viện cấp cứu - 1

Bệnh nhi nhập viện với biểu hiện của hội chứng não cấp do ngộ độc chì khi dùng thuốc cam chữa loét miệng.

Theo lời kể của người nhà, trước đó hai tuần, bé bị viêm loét miệng, bà nội nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống. Sau 7 ngày dùng thuốc cam bé xuất hiện nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì  nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Sau đó bé được chuyển tiếp lên khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả: nồng độ chì trong máu lên đến 384.2 microgam/dL ( mức cho phép là >10 microgram/dL).

Bác sĩ Đinh Thị Hồng, Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương  - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng phải truyền máu.

Hiện tại, sau khi điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm nhiều.

“Bệnh nhi không còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những di chứng mà ngộ độc chì để lại rất khó đánh giá, do bệnh nhi còn quá nhỏ. Tuy nhiên, các di chứng cảnh báo đó là ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động IQ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện”, bác sĩ Hồng cho biết.

Chì gây hại cho toàn bộ cơ thể

Các bác sĩ cho biết, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây tổn thương trên nhiều cơ quan như thần kinh, huyết học, gan, thận, dạ dày, đường ruột, tim mạch…

Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này sẽ được hấp thu vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể đặc biệt là xương, chì từ xương sau đó sẽ giải phóng từ từ vào máu gây ngộ độc kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì,sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, hoặc sử dụng đồ chơi bằng nhựa có sơn chì. Tuy nhiên, thời gian qua, các ca ngộ độc chì do "thuốc cam" là rất phổ biến. 

Thuốc cam là một loại thuốc Đông y có thành phần từ rất nhiều những cây thuốc Nam và dược liệu kết hợp, từ xưa đã được các bà các mẹ tin là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân hoặc dùng để chữa các bệnh lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy...cho trẻ em.

Tuy nhiên, ở những loại thuốc cam không rõ nguồn gốc có thể nhiễm chì, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc cam bừa bãi.

Khi bị nhiễm độc chì gây ra rất nhiều nguy cơ cho trẻ, thậm chí gây tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh; Di chứng tới não; Thậm chí là tử vong.

Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Ở trẻ em ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề với tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống <5% khi có thuốc gắp chì có hiệu quả. Khoảng 25 - 30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn gây chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt…

Tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ, phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ để lại di chứng về trí tuệ, thể chất. Vì thế, nếu có nguy cơ nhiễm độc chì từ thuốc nam, môi trường sống… nên đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra để được xét nghiệm máu khẳng định và điều trị.

Tiến sĩ Duy khuyến cáo, để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh.

Gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Hồng Hải