“Thần dược” Sâm Nhung Hoàn?

Sau hàng loạt vụ “phốt” của các loại thực phẩm chức năng như: "Trà mát gan bổ thận" của Công ty Hải Thượng (Bắc Giang), hay “Rong biển”, rồi sản phẩm KiHIV chữa HIV/AIDS, AntiK chữa ung thư... của Công ty cổ phần thiên nhiên VN...Nay thị trường Hà Nội lại “nóng” với thứ thực phẩm mới: “Sâm Nhung Hoàn”.

“Thần dược” giá 70 nghìn, số lượng không hạn chế

 

Điều đáng nói về loại “thần dược” này là ngoài lời giới thiệu khá trơn tru hấp dẫn như: “Hàng nhập ngoại từ Malayxia, có công dụng tăng cường sức khoẻ…”, thì chủ cửa hiệu cũng mù tịt về tên công ty nhập khẩu hay giấy phép đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất(!?).

 

Tại cửa hàng số 49 phố Lãn Ông, Hà Nội, người phụ nữ ngoài 60 tuổi với khuôn mặt khá phúc hậu, đon đả lấy cho chúng tôi một hộp giấy hình bát giác, được “kẻ vẽ” bằng chi chít những chữ Tàu, trông khá bắt mắt, giọng ân cần: “Loại sâm nhung này dùng rất tốt cho người già, người bị suy nhược cơ thể, có tác dụng bổ máu, trị biếng ăn…”. Sau một hồi trình thuyết về công dụng cũng như uy tín thực tế về loại sản phẩm này, bà gọn lỏn: “70 ngàn”.

 

Mân mê vỏ hộp với những dòng chữ không thể đọc được (chữ Trung Quốc-PV) ngoài 2 dãy chữ số in ngày sản xuất và hạn sử dụng, bà chủ nhanh nhẹn mở toác nắp hộp lấy ra tờ hướng dẫn sử dụng được in song song 2 thứ tiếng: Trung Quốc và Việt Nam.

 

Đoạn in đậm trên tờ giới thiệu khá ấn tượng: “Đề phòng giả mạo, kể từ tháng 6/2003, sản phẩm được áp dụng mẫu mã mới, có dán thêm hình tem phản quang của người sáng lập, các hình tem đều rõ ràng, vì lợi ích của đại chúng, nay xin thông báo đến người tiêu dùng”. Cùng với đó là những dòng giới thiệu như: “…là đặc sản của Đông Bắc Trung Quốc, có dinh dưỡng rất cao, được xem là vị thuốc bổ quý rất có ích cho con người” và những hướng dẫn cụ thể về công dụng, chủ trị, cách dùng…

 

Nhưng khi thắc mắc về nhà nhập khẩu số hiệu cấp phép của cơ quan quản lý Việt Nam, bà chủ cửa hiệu tỏ vẻ khó chịu: “Chúng tôi mua lại của một công ty lớn ở trong Nam, bán rất chạy, anh không phải là người duy nhất tìm mua loại thuốc này…”.

 

Trả tiền, rồi tần ngần mang hộp “thần dược” cùng những thắc mắc sang cửa hàng bên cạnh, chủ cửa hàng cười tủm tỉm: “Ở đây chị chỉ bán có 50 ngàn thôi. Còn loại đóng bằng vỉ, đựng trong hộp sắt, được nhập về từ Malayxia mới có giá 150 ngàn đồng/ hộp…”. Để củng cố sự khẳng định của mình, chủ cửa hàng lấy đưa cho chúng tôi một hộp sắt mầu xanh, được bọc thêm lớp giấy bóng nhựa, cũng chi chít những hàng chữ TQ, với lời bật mí: “Hộp em vừa mua là hàng “trôi nổi”, còn đây mới là hàng nhập xịn…”.

 

Chúng tôi gợi ý định mua số lượng nhiều để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, bà chủ tạp hóa niềm nở: “Nhà chị là đầu mối ở đây, bao nhiêu cũng có, nếu em lấy nhiều thì chị để với giá 6.000 đồng/hộp”.

 

“Thần dược” hiệu quả đến đâu?

 

Qua tìm hiểu, hầu hết các cửa hàng tại đây đều bày bán công khai loại “Sâm nhung hoàn” này với mức giá dao động từ 50- 70 ngàn đồng/hộp (vỏ hộp giấy, viên rời-PV) và 150 - 160 ngàn đồng/hộp(vỏ sắt, đóng vỉ).

 

Hộp giấy “Sâm nhung hoàn” có 21 viên, được tán dưới dạng bột mầu vàng xỉn, có mùi ngai ngái, không vị, hình dáng giống viên thuốc tân dược con nhộng mầu đỏ với 2 loại chữ in: Anh và Trung Quốc, ghi rõ: ETMA. Trên bao hộp cũng như giấy hướng dẫn sử dụng của “Sâm nhung hoàn” không hề có số hiệu cho phép nhập khẩu của cơ quan chức năng Việt Nam và công ty nhập khẩu…

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Căn cứ vào các thành phần ghi trên giấy hướng dẫn như: Panax ginseng: 50mg; Corno Cerjipatetrichome: 20mg… thì đây là loại thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc. Việc không đề nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như số hiệu cấp phép của cơ quan chức năng đủ cơ sở khẳng định đây là loại nhập lậu, hiện đang trôi nổi trên thị trường”. “Nếu xét ở góc độ luật pháp thì chẳng có cơ sở để khẳng định Sâm nhung hoàn có tác dụng bổ béo gì”, ông Cường khẳng định.

 

Theo một cán bộ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, phố Lãn Ông có 57 hộ kinh doanh các mặt hàng như: Bốc thuốc theo đơn, kinh doanh dược liệu (thuốc phiến, thuốc sống)… Trong đó, có không ít những chủ cửa hàng là từ Ninh Hiệp, Bắc Ninh, về đây thuê cửa hiệu kinh doanh nên việc tồn tại lượng lớn hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc được lén lút tiêu thụ là điều khó tránh khỏi… Vị này cũng khuyến cáo “không nên dùng loại thuốc này vì hầu hết đều có tác dụng phụ”.

 

Cách đây gần 10 năm TPCN vẫn còn xa lạ, nhưng vài năm gần đây TPCN đang ồ ạt ra thị trường. Hiện có tới gần 3.000 loại thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, đã có trên 1.000 loại TPCN được đưa ra thị trường, nhiều sản phẩm trong số này được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, chống lão hóa...

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, việc cấp phép (Cục VSATTP), cũng như quản lý các loại thực phẩm này hiện đang rất "thoáng". Và đằng sau cái sự "thoáng" ấy đang có không ít người tiêu dùng phải chịu hậu quả.

 

Theo Trọng Hiếu

Vnmedia