Thanh Hóa:
Thẩm mỹ viện “chui” ngang nhiên hoạt động
(Dân trí) - Mặc dù không được cấp phép hoạt động, nhân viên không có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng nhiều Spa, Thẩm mỹ viện (TMV) trên địa bàn Thanh Hóa vẫn sử dụng dịch vụ tiêm, phẫu thuật, hành nghề trái quy định.
Theo quy định, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
Quy định là vậy, nhưng theo khảo sát, rất nhiều cơ sở làm đẹp trên địa bàn TP Thanh Hóa đều tự ý thực hiện các dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế mà không đăng ký, như: Cắt mí mắt, nhấn mí mắt, hút mỡ bụng, tiêm chất làm dầy mũi, phẫu thuật đặt silicon vào mũi, nâng ngực, xăm môi...
Điều đáng nói, tuy hoạt động khá công khai bất chấp quy định của Chính phủ nhưng dường như vẫn chưa có một cuộc thanh tra “nghiêm túc” và xử lý vi phạm của các cơ quan chủ quản đối với các cơ sở này.
Rất nhiều cơ sở TMV còn công khai quảng cáo những dịch vụ như làm mày, môi, tắm trắng, giảm mỡ bụng, nâng mũi Hàn Quốc (bọc sụn và không bọc sụn)…trên các trang mạng xã hội.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu làm phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), chúng tôi tìm đến một số cơ sở TMV đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Chủ một cơ sở trên đường Đội Cung niềm nở đón chúng tôi và tư vấn, giới thiệu về các dịch vụ làm đẹp tại cơ sở như: Làm mày, làm môi, tắm trắng, trị nám, giảm mỡ bụng... Thấy chúng tôi có nhã ý muốn làm mũi và nâng ngực, chủ cơ sở tận tình hướng dẫn những công nghệ mới nhất về nâng mũi mà TMV thường làm như: Nâng mũi Hàn Quốc (bọc sụn và không bọc sụn), nâng mũi S-line Hàn Quốc, nâng mũi S-line cấu trúc...
Chủ TMV này còn nhiệt tình giới thiệu thêm về dịch vụ tiêm chất làm dày thành mũi (không đau, không ảnh hưởng) với giá của dịch vụ khoảng 7 triệu đồng cho 1 lần tiêm, thời gian tiến hành khoảng 30 phút, bảo hành 2 năm... Những ca PTTM sẽ do các bác sĩ tại Hà Nội trực tiếp về làm nếu đủ lượng khách từ 4-6 người, nhân viên tại TMV sẽ chủ động liên hệ với khách hàng.
Tại cơ sở thẩm mỹ khác trên đường Tô Vĩnh Diện, sau khi biết chúng tôi có nhu cầu hút mỡ bụng, chủ cơ sở cho biết chi phí cho ca phẫu thuật hút mỡ bụng sẽ giao động từ 20-25 triệu đồng. Để tạo niềm tin cho các “thượng đế” chủ cơ sở còn tiết lộ: “Nếu muốn an toàn, bên mình sẽ thuê phòng mổ của bệnh viện để làm cho các bạn. Bên mình đã thực hiện nhiều ca rồi. Nhưng nếu vào viện chi phí sẽ mắc hơn vì phải trả phí cho bệnh viện”.
Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến “nở rộ” các cơ sở TMV “chui” là do lực lượng kiểm tra của các sở, ngành, địa phương quá mỏng, cộng thêm chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, đa số các TMV đều đăng ký hoạt động dưới hình thức những trung tâm làm đẹp đơn thuần, vốn không có chức năng PTTM nên không thuộc sự quản lý của Sở Y tế.
Các cơ sở kinh doanh này lại do chính quyền địa phương cấp phép. Nếu ngành y tế muốn kiểm tra, phải có chứng cứ sai phạm, còn không là trái quy định... Chính việc phân cấp quản lý các cơ sở thẩm mỹ như hiện nay (có phẫu thuật thì do Sở Y tế quản lý, không phẫu thuật do chính quyền địa phương quản lý) đang là một kẽ hở để các cơ sở làm đẹp lợi dụng hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ông Lê Hữu Uyển, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế cho biết, hiện Sở Y tế chỉ cấp phép cho 1 cơ sở thẩm mỹ y khoa Hoàng Văn Thanh, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa), cơ sở này được thẩm định chặt chẽ theo đúng quy định, có danh mục kỹ thuật kèm theo, hoạt động theo đúng danh mục Nhà nước cho phép. Tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có bệnh viện nào được cấp phép PTTM. “Năm ngoái, Sở cũng thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra nhưng không phát hiện được cơ sở nào có dấu hiệu vi phạm. Cái này muốn bắt được phải theo dõi”, ông Uyển nói.
Ông Uyển cũng thừa nhận: “Việc quản lý, kiểm tra hoạt động của các cơ sở TMV “chui” hết sức khó khăn trong khi nhân lực của ngành quá mỏng. Mặt khác các cơ sở làm đẹp này có nhiều “mánh khóe” để qua mặt cơ quan chức năng, khó bắt quả tang. Ngành y tế chủ yếu kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, còn đối với hoạt động của các cơ sở hành nghề làm đẹp không do sở cấp phép lại do nhiều ngành quản lý, kiểm tra. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khách hàng nên tìm đến các cơ sở có uy tín và đã được cấp phép, còn đến các cơ sở không phép, nếu xảy ra tai biến thì Nhà nước không chịu trách nhiệm”.
Cũng theo ông Uyển thì hiện nay, Sở Y tế đã gửi công văn yêu cầu các địa phương gửi danh sách thống kê các cơ sở thẩm mỹ, cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp trên địa bàn để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cũng như hình thức xử phạt về việc thực hiện các dịch vụ làm đẹp, PTTM. Đồng thời, phối hợp với các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra toàn diện tất cả các cơ sở thẩm mỹ, cung cấp dịch vụ làm đẹp trên địa bàn, bao gồm cả những cơ sở hành nghề chui, trá hình hay các spa, TMV hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Bình Minh