Thảm kịch Thế chiến II vô tình tạo bước đột phá trong điều trị bệnh ung thư

Cuộc tấn công của quân Đức tại cảng Bari, được mệnh danh là trận ‘tiểu Trân Châu Cảng’, đã vô tình đánh trúng một con tàu của phe Đồng minh chở đầy bom khí mù tạt.

Tuy nhiên, thảm kịch này lại mở ra đột phá về sử dụng hoá trị liệu trong điều trị các bệnh ung thư.

Thảm kịch Thế chiến II vô tình tạo bước đột phá trong điều trị bệnh ung thư - 1

Đức Quốc xã không kích tàu chiến của quân Đồng minh tại cảng Bari, trên bờ biển Adriatic, Italy ngày 2/12/1943. Ảnh: Getty Images

Vào đêm ngày 2/12/1943, quân Đức ném bom một cảng quan trọng của phe Đồng minh ở Bari, Italy, đánh chìm 17 con tàu và khiến hơn 1.000 lính Mỹ, Anh cùng hàng trăm thường dân thiệt mạng. Bị kẹt trong cuộc không kích bất ngờ này là John Harvey, một con tàu của Mỹ chở món hàng bí mật gồm 2.000 quả bom khí hơi ngạt được sử dụng để trả đũa nếu Hitler phát động chiến tranh sinh học.

Cuộc tấn công của Không quân Đức đã giải phóng một đám mây khí mù tạt lưu huỳnh độc hại trên bến cảng và mù tạt lỏng hòa vào trong nước. Sự việc khiến quân Đồng minh phải tìm cách che đậy một thảm họa vũ khí hóa học, nhưng nó cũng dẫn đến khám phá tình cờ của một bác sĩ quân y về một phương pháp điều trị ung thư mới.

Chuyến hàng khí độc bí mật

Sau hậu quả tàn khốc của trận “tiểu Trân Châu Cảng”, Tướng Mỹ Dwight D. Eisenhower và Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nhất trí che giấu sự thật về chuyến hàng khí độc, vì sợ Đức có thể sử dụng nó như một cái cớ để phát động một cuộc chiến tranh hóa học toàn diện. Do bí mật quân đội, các nhân viên y tế không được cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm từ mù tạt lỏng ngấm ngầm lan khắp bến cảng, trộn lẫn với hàng tấn dầu nhiên liệu từ các con tàu bị bom phá huỷ.

Thảm kịch Thế chiến II vô tình tạo bước đột phá trong điều trị bệnh ung thư - 2

Cảng Bari, Italy sau vụ "tiểu Trân Châu cảng". Ảnh: History

Trong đêm đầu tiên sau thảm kịch, hàng trăm người sống sót - những người đã nhảy xuống nước hoặc bị thổi bay khỏi tàu và bơi đến nơi an toàn - bị nhầm tưởng là họ chỉ bị sốc và ngộp nước. Họ được cho uống morphin, quấn trong chăn ấm và phải mặc bộ quân phục tẩm dầu suốt 12 giờ, thậm chí 24 giờ, khi những người bị thương nặng được chăm sóc trước. Điều đó tương tự như việc họ bị ướp trong khí mù tạt. Nhưng tất cả vẫn không hay biết vì về thảm hoạ.

Đến rạng sáng, các bệnh nhân thấy da bị viêm đỏ và trên cơ thể phồng lên những bóng nước “kích thước bằng quả bóng bay”. 

Trong vòng 24 giờ, cả khu vực đầy chặt những người đàn ông nằm nhắm nghiền mắt. Các bác sĩ nghi ngờ một số dạng chất kích ứng hóa học, nhưng bệnh nhân không có các triệu chứng điển hình hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Nỗi lo lắng của các nhân viên y tế càng trở nên trầm trọng hơn khi có thông báo từ trụ sở chính rằng hàng trăm bệnh nhân bỏng có triệu chứng bất thường sẽ được coi là bị “Viêm da N.Y.D.”, chưa được chẩn đoán.

Sau đó, không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào, những bệnh nhân dù trong tình trạng tương đối ổn bắt đầu tử vong. Những cái chết đột ngột, bí ẩn này khiến các bác sĩ càng bối rối và không biết nên xử lý như thế nào.

Tin đồn lan truyền rằng trong vụ tấn công, người Đức đã sử dụng một loại khí độc không rõ nguồn gốc. Khi số người chết tăng lên mỗi ngày, các quan chức Anh ở Bari đã gọi điện “báo động đỏ" cảnh báo về Trụ sở Lực lượng Đồng minh (AFHQ) ở Algiers (Algeria) về cuộc khủng hoảng y tế. Trung tá Stewart Francis Alexander, một chuyên gia chiến tranh hóa học trẻ của Mỹ, được điều động lập tức đến hiện trường thảm họa.

Thảm kịch Thế chiến II vô tình tạo bước đột phá trong điều trị bệnh ung thư - 3

Phát hiện của điều tra viên bị bưng bít

Bất chấp sự phủ nhận của giới chức cảng Bari (do Anh quản lý khi đó), Trung tá Alexander đã nhanh chóng chẩn đoán về tình trạng phơi nhiễm khí mù tạt. Tin chắc rằng sự việc có liên quan đến an ninh quân sự, Alexander kiên quyết theo đuổi cuộc điều tra của riêng mình để xác định nguồn gốc của hoá chất và làm thế nào nó đã nhiễm độc cho quá nhiều người.

Sau khi nghiên cứu cẩn thận các dữ liệu y tế, Alexander lần ra vị trí của các tàu chở hàng bị phá hủy liên quan đến các nạn nhân khí mù tạt và xác định chính xác tàu John Harvey là tâm chấn của vụ nổ hóa học. Khi các thợ lặn đưa lên những mảnh vỡ của vỏ đạn, chúng được xác định là từ những quả bom hơi ngạt nặng 100 pound của Mỹ.

Ngày 11/12/1943, Trung tá Alexander thông báo cho tổng hành dinh về những phát hiện ban đầu của mình. Không chỉ nhiễm khí độc từ chính quân Đồng minh, mà các nạn nhân "Viêm da N.Y.D." còn bị phơi nhiễm độc chất kéo dài do ngâm mình trong dung dịch mù tạt lỏng và dầu nổi trên mặt cảng.

Phản ứng mà Alexander nhận được thực sự là sốc. Trong khi Tướng Eisenhower chấp nhận những chẩn đoán của anh, Thủ tướng Churchill đã bác bỏ sự hiện diện của khí mù tạt ở Bari. Thời điểm đó cuộc chiến ở châu Âu bước vào giai đoạn quan trọng, phe Đồng minh nhất trí áp dụng chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với các thảm họa hóa học: Tất cả những đề cập đến khí mù tạt đều bị loại khỏi hồ sơ chính thức và chẩn đoán của Alexander bị xóa khỏi các dữ liệu y tế.

Thảm kịch Thế chiến II vô tình tạo bước đột phá trong điều trị bệnh ung thư - 4

Một giám sát viên kiểm tra đầu đạn hơi ngạt tại một kho vũ khí không xác định, vào khoảng năm 1943. Ảnh: Getty Images

 Hóa chất ức chế tế bào bạch cầu

Bản “Báo cáo cuối cùng về thương vong do khí mù tạt ở Bari” của Alexander ngay lập tức được đánh dấu mật, nhưng nó đã thu hút sự chú ý đặc biệt của sếp anh là Đại tá Cornelius P. “Dusty” Rhoads khi đề cập đến tác dụng độc hại của khí mù tạt đối với tế bào bạch cầu. Trước khi làm việc tại Cơ quan Chiến tranh Hoá học (CWS), ông Rhoads từng là Giám đốc Bệnh viện Điều trị Ung thư và Các bệnh liên quan ở New York, Mỹ.

Trong số hơn 617 người thương vong do tiếp xúc với khí độc ở Bari, 83 người đã chết, tất cả đều cho thấy tác dụng ức chế của khí mù tạt đối với sự phân chia tế bào, chứng tỏ hoá chất này có thể được sử dụng để ức chế các tế bào bạch cầu ác tính đang nhân lên nhanh chóng, trước khi xâm nhập và phá hủy các mô khỏe mạnh. Alexander đã trích xuất những dữ liệu nghiên cứu vô giá từ nhà xác và chỉ ra một loại hóa chất có thể được sử dụng làm vũ khí trong cuộc chiến chống lại một số loại ung thư.

Dựa trên bản báo cáo mang tính bước ngoặt của Alexander và một thử nghiệm lâm sàng tuyệt mật của Đại học Yale chứng minh rằng mù tạt nitơ (một loại mù tạt chứa lưu huỳnh ổn định hơn) có thể thu nhỏ các khối u, Đại tá Rhoads tin rằng hoá chất có hại - với liều lượng nhỏ, được hiệu chỉnh cẩn trọng - có thể dùng để chữa bệnh. 

Thảm kịch Thế chiến II vô tình tạo bước đột phá trong điều trị bệnh ung thư - 5

Hoá trị là một liệu pháp điều trị quan trọng với các bệnh ung thư.

Năm 1945, ông Rhoads đã thuyết phục các lãnh đạo của General Motors là Alfred P. Sloane và Charles F. Kettering tài trợ cho Viện Nghiên cứu Ung thư Sloan Kettering (SKI) để thành lập một phòng thí nghiệm hiện đại, với nhân viên đều là các nhà khoa học thời chiến, có nhiệm vụ tổng hợp các dẫn xuất mù tạt mới và phát triển loại thuốc điều trị ung thư đầu tiên - ngày nay được gọi là liệu pháp hóa trị.

Năm 1949, Mustargen (mechlorethamine) trở thành loại thuốc hóa trị liệu thử nghiệm đầu tiên được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận và được sử dụng thành công để điều trị ung thư. Chiến thắng này đã thúc đẩy việc tìm kiếm các tác nhân hóa học khác nhắm mục tiêu tiêu diệt các tế bào ác tính nhưng bỏ qua tế bào bình thường. Vì thế Hiệp hội Ung thư Mỹ đã ghi nhận thảm họa Bari như là sự kiện khởi xướng của “thời đại hóa trị ung thư”.

Theo Baotintuc.vn