Thảm họa lạm dụng thuốc kháng sinh ở trẻ!
Bài học đau xót của ngành y tế VN trong việc sử dụng kháng sinh tetraxyclin vẫn hiện hữu ở những hàm răng xỉn màu của các thế hệ 6X, 7X. Đến nay, những đứa trẻ từ sơ sinh đến thiếu nhi lại đang đứng trước thảm hoạ - dùng quá nhiều loại kháng sinh.
Lời kêu cứu của một bà mẹ
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (HN) có con gái 5 tháng tuổi bị viêm phổi vào khám tại Bệnh viện (BV) Xanh Pôn đã vô cùng sợ hãi khi thấy bác sĩ kê đơn thuốc điều trị cho con mình.
"Bác sĩ chẳng cần hỏi cháu bao nhiêu tháng tuổi, cân nặng bao nhiêu và cứ như được lập trình sẵn viết vài tên thuốc với dòng chữ nguệch ngoạc: Tafurex -4 lọ (kháng sinh), Muscomyst, Ventolin và Depesolon (khí dung). Tôi cho con tiêm đủ 4 ngày, nhưng không đỡ, ngày thứ 5 tôi mang con khám lại bác sĩ nói, con tôi bị hen phế quản, phải tiếp tục tiêm kháng sinh (KS) liều cao trong ba ngày nữa và đơn thuốc mà bác sĩ kê cho cháu có tới hai loại KS. Tôi vô cùng hoang mang, liền đưa con đến khám tại BV Việt Pháp thì bác sĩ lại kết luận : Cháu bị viêm phổi do virus, chỉ cần uống thuốc ho long đờm không cần dùng KS.
Sau một tuần dùng thuốc tình trạng bệnh của cháu thay đổi rất tốt. Qua việc của con tôi, tôi thấy rất cần phải báo động về tình trạng sử dụng kháng sinh ở trẻ em, một thế hệ những em bé sau này đã quá quen với việc dùng KS có phát triển được toàn diện hay không?" - đó là những lời kêu cứu của chị Thuỷ gửi đến báo chí.
Đây là một thực tế đang rất phổ biến ở rất nhiều gia đình có con nhỏ. Con bị sốt, ho, cảm cúm đến khám tại phòng khám tư cũng như BV công thường được bác sĩ kê đơn KS, bệnh nhẹ thì KS uống, nặng thì KS tiêm. Thực tế này đã đến lúc phải báo động.
Thầy thuốc làm "hỏng" bệnh nhi
BV Nhi TƯ cách đây không lâu có đưa ra một phác đồ điều trị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp không cần dùng kháng sinh. Kết quả của hướng điều trị mới này rất khả quan. Thế nhưng, việc các thầy thuốc có áp dụng trong điều trị hay không vẫn còn là một vấn đề.
T
ại khoa Khám bệnh - BV Nhi TƯ trong những ngày chuyển mùa này mỗi ngày có hơn 1.000 bệnh nhân đến khám thì khoảng 80% bệnh nhi bị viêm nhiễm đường hô hấp. Hỏi thăm 10 bà mẹ thì có đến 9 bà mẹ nói rằng, bác sĩ kê đơn cho con họ thuốc KS, cá biệt có đơn thuốc có đến 2 loại kháng sinh.
Nói về nguyên nhân của tình trạng lạm dụng thuốc KS ở trẻ em, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, do các bà mẹ tự ý cho con dùng thuốc KS mà không có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Việc kết tội các bà mẹ có thể chỉ đúng phần nào, song không thể không nói đến việc kê thuốc KS tuỳ tiện của một số bác sĩ. Không biết có phải do quá đông bệnh nhân hay không mà mỗi bệnh nhi đến khám tại các phòng khám, bác sĩ chẳng cần hỏi trẻ có tiền sử bệnh gì, đã sử dụng thuốc gì, cứ thế kê KS cho trẻ. Nếu 5 ngày đến 1 tuần không đỡ bác sĩ lại cho thêm một loại KS nữa hoặc chuyển sang KS khác mạnh hơn.
BS Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc BV Nhi TƯ thừa nhận, tiền để mua thuốc KS đang chiếm tới 60% tổng kinh phí mua thuốc của BV. Lý giải cho việc đó, các BV cho rằng, bệnh nhân về đến tuyến T.Ư đều bệnh nặng thì không thể không dùng KS mà còn phải dùng KS mạnh hơn, đắt tiền hơn. Không còn cách nào khác, những bệnh nhi phải xoay theo vòng quay do chính người thầy thuốc tạo ra.
- Bệnh do virus không được dùng KS. - Dùng đúng liều lượng, thời gian sử dụng chỉ khi nào có biểu hiện trên lâm sàng, cận lâm sàng là đã khỏi bệnh mới thôi dùng thuốc. - Luôn theo dõi kết quả sử dụng, nếu không có kết quả phải xem lại chẩn đoán. - Không phối hợp nhiều thuốc KS, chỉ nên dùng loại phổ hẹp, tránh tạo ra vi khuẩn kháng thuốc, tăng độc tính và tai biến. - Phải luôn chú ý tai biến và tác dụng phụ của KS: Do nhiễm độc (suy gan, thận, thần kinh, tuỷ, răng, tai...), do vi khuẩn (tạp khuẩn cộng tồn, loạn khuẩn, nội độc tố), tai biến chọn lọc (viêm gan, mất bạch cầu, suy tuỷ, điếc...) - Khi tiêm thuốc KS cần làm test phản ứng và có đầy đủ các phương tiện cấp cứu tại chỗ. (Tài liệu hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế) Nhiều loại KS gần như đã bị kháng hoàn toàn. Đối với vi khuẩn E.coli (gây bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm trùng huyết), tỉ lệ kháng thuốc ở Ampiciline là 88%, Amoxiciline là 38,9%. Đối với vi khuẩn Klebsiella (gây bệnh nhiễm trùng huyết và viêm phổi), tỉ lệ kháng thuốc của Ampiciline gần 97% và Amoxiciline là 42%. (Nghiên cứu của Bộ Y tế về tình trạng kháng thuốc KS) |
Theo Phương Ngọc
Lao động