1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thai phụ bị vỡ tử cung, vỡ thai, máu trào ra đầy ổ bụng

Nam Phương

(Dân trí) - Thai phụ 35 tuổi, ở Hà Nội đang mang thai 4,5 tháng nhập viện trong tình trạng nguy kịch da xanh, đau bụng, huyết áp tụt. Bệnh viện phát tín hiệu “báo động đỏ”, chuyển bệnh nhân mổ cấp cứu.

Bệnh nhân là chị T.T.B (35 tuổi, Đông Anh, Hà Nội), mang thai lần 4, thai được 4,5 tháng. Chị được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng đau bụng, lơ mơ, da tái nhợt, đau lan xuống 2 hố chậu, bụng chướng, nhiều dịch, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt...

Bệnh nhân được siêu âm tại giường, kết quả phát hiện nhiều dịch trong ổ bụng. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng.

Ngay lập tức, bệnh viện đã phát tín hiệu “báo động đỏ”, hội chẩn liên khoa, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu. Kíp phẫu thuật có sự tham gia của các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, khoa Sản, kíp gây mê khoa Gây mê hồi sức, khoa Xét nghiệm. 

Kiểm tra tử cung, bác sĩ phát hiện phía bên trái có đoạn vỡ tử cung, máu chảy nhiều kèm theo rau thai vỡ ra ngoài. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu do vỡ tử cung, vỡ thai trên vết mổ tử cung. Kíp mổ đã hội chẩn và chỉ định cắt tử cung bán phần làm giải phẫu bệnh lý tử cung nhau thai, tử cung trên bàng quang. 

Ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng. Trong quá trình mổ ổ bụng, bác sĩ hút ra khoảng 3 lít máu máu đỏ tươi lẫn máu cục. Bệnh nhân được truyền tổng cộng 7 đơn vị máu 350ml và 5 đơn vị huyết tương 250ml (tổng 3,7 lít) và 5 lít dịch. 

Sau mổ bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tiếp tục theo dõi điều trị hậu phẫu.

Thông thường, sau khi được thụ tinh, trứng sẽ bám vào vùng đáy tử cung - nơi có lớp nội mạc đủ dày để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, đối với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, trứng có thể bám vào đúng vị trí sẹo phát triển thành túi thai.

Chửa tại sẹo mổ lấy thai nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể nguy hiểm tính mạng.