Tết và nỗi lo về thực phẩm chứa hàn the

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, hàn the đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm với bất cứ hàm lượng và cách thức nào. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra cũng như kiểm tra gần đây, tỷ lệ thực phẩm chứa hàn the và phẩm màu độc hại vẫn còn khá nhiều.

Theo thanh tra Bộ Y tế, tình trạng sử dụng hàn the trong giò chả năm 2005 vẫn chiếm khoảng 40%. Còn theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết đợt thanh tra an toàn vệ sinh thức ăn đường phố năm 2005 tại ba thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng: Việc sử dụng các phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục cho phép của Bộ Y tế vẫn còn khá nhiều ở một số cơ sở như sử dụng hàn the trong chế biến giò chả, bánh cuốn... Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên của các đoàn thanh tra liên ngành Trung ương cho thấy, tại TP.HCM có 3/10 mẫu và Đà Nẵng là 1/7 mẫu xét nghiệm có hàn the.

 

Khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng thực hiện trong ba năm (2003-2005) tại TPHCM trên chả lụa, bò viên, cá viên chiên, mì sợi tươi, bánh su sê, bánh da lợn ở các chợ, quầy bán lẻ, bán rong cho thấy đến 135/200 mẫu có sử dụng hàn the, chiếm tỷ lệ 67,5%. Các mẫu chả lụa và mì sợi tươi có tỷ lệ sử dụng hàn the cao nhất. Trong đó, năm 2004, 100% mẫu giò chả kiểm tra có hàn the; năm 2005, 100% mẫu mì sợi tươi kiểm tra có hàn the.

 

Riêng tỷ lệ sử dụng hàn the trong bánh da lợn, bánh su sê từ 43,33-70%. Đáng lưu ý là hàm lượng hàn the được cho thêm vào thực phẩm ngày càng cao. Năm 2003 và 2004 lượng hàn the cho vào thực phẩm là 1.000-3.000 mg/kg thì năm 2005 là hơn 3.000 mg/kg.

 

Qua kiểm tra, xét nghiệm 3.000 mẫu thực phẩm từ năm 2004-2005, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng đã phát hiện việc sử dụng hàn the, chất phụ gia độc hại trong bốn loại thực phẩm (giò, chả, bánh giò, mì sợi) tại các nhóm như cơ sở sản xuất, chợ, đường phố, hàng rong. Kết quả, hàn the có trong: 47-49% giò sống, chả lụa tại các cơ sở sản xuất; 70-74% chả lụa, mì sợi bán tại các chợ, 62-68% giò sống, chả lụa, mì sợi bày bán ở các đường phố; 77% chả lụa bán rong.

 

Tác hại của phụ gia thực phẩm

 

Theo "Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm" của Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 867/1998/QĐ-BYT ngày 4/4/1998 thì hàn the là chất phụ gia thuộc nhóm 9 có tác dụng làm dai, chắc thực phẩm... Trong các văn bản về an toàn thực phẩm đã có quy định: "Không ai được sản xuất hoặc buôn bán chất hàn the cũng như các loại thực phẩm có chứa hàn the gây nguy hại cho sức khỏe con người".

 

Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây hại cho sức khỏe. Nếu dùng quá liều cho phép có thể gây ngộ độc cấp tính. Dù chỉ là một liều lượng nhỏ nếu sử dụng thường xuyên, liên tục chất phụ gia thực phẩm ngoài danh mục vẫn sẽ tích lũy trong cơ thể và gây tổn thương lâu dài. Khi sử dụng thực phẩm có hàn the, hàn the sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua phân 1%, qua mồ hôi 3%, còn 15% được tích lũy trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại đến nguyên sinh chất và đồng hóa các aminoit, gây ra một hội chứng ngộ độc mạn tính: ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút; nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai. Không những thế các chất dinh dưỡng, vitamin... trong thực phẩm cũng bị phá hủy.

 

Đâu là thực phẩm an toàn?

 

Trên thực tế, người tiêu dùng không thể biết được thực phẩm mình sử dụng có hóa chất độc hại không, bởi hầu hết các hóa chất độc hại thường phải qua các test kiểm tra nhanh, hoặc phải làm một số xét nghiệm hóa sinh mới phát hiện được. Thậm chí ngay cả những người trong ngành thực phẩm nếu chỉ qua cảm quan nhận định về thực phẩm có hàn the hoặc phụ gia thực phẩm độc hại hay không, nhiều khi cũng chịu. Nên hầu như tâm lý của người dân khi mua thực phẩm là tin tưởng vào người bán hàng. Và các cửa hàng quen thuộc vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng.

 

"Tôi cũng không biết chọn thế nào để có thể tránh mua phải thực phẩm không an toàn. Vì thế tôi thường mua của người quen", bà Trần Thị Hoa (Định Công, Hà Nội) giãi bày. Chị Bùi Thị Thành (Kim Mã, thường vào siêu thị để chọn mua thực phẩm cho gia đình bởi quan niệm rằng "trong siêu thị thực phẩm đã được tuyển không cần băn khoăn về chất lượng".

 

Ông Trần Đáng cũng khuyến cáo với người tiêu dùng, khi mua thực phẩm chế biến sẵn, đối với nhóm thức ăn đường phố như thịt quay, tương ớt...; các loại bánh, mứt kẹo (như bánh su sê, bánh cốm), người tiêu dùng không nên chọn những thực phẩm có màu quá lòe loẹt, giò chả quá giòn, dai...

 

Mặc dù vậy, nhiều năm nay các nhà quản lý vẫn chưa thể trả lời cho người dân câu hỏi: "Đâu là thực phẩm không hàn the, không có phụ gia thực phẩm độc hại?". Trước một "rừng" thực phẩm, người dân vẫn thường được khuyên một câu chung chung "chọn những sản phẩm có thương hiệu!" và "quan trọng là ý thức của người tiêu dùng và người sản xuất!".

 

Theo Sức khỏe và Đời sống