Teo cơ tủy và bệnh hiếm tại Việt Nam: Gánh nặng cần được sẻ chia

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức "Ngày bệnh hiếm" lần thứ 11 với chủ đề "Hãy chia sẻ sắc màu của bạn", cùng mong muốn nhận được sự thấu hiểu và đồng cảm từ gia đình, cộng đồng, giúp đỡ cho nhóm bệnh đang rất cần được hỗ trợ này.

Teo cơ tủy và bệnh hiếm tại Việt Nam: Gánh nặng cần được sẻ chia - 1
"Ngày bệnh hiếm" lần thứ 11 thu hút nhiều người tham gia.

Theo thống kê trên thế giới, hiện tại có hơn 300 triệu bệnh nhân đang mắc khoảng 6.000 loại bệnh hiếm, chiếm khoảng 3,5 - 5,9% dân số toàn thế giới. Trong đó, 72% là các bệnh liên quan đến gen và di truyền, cũng như hơn 70% các bệnh hiếm khởi phát triệu chứng từ lúc bé.

Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, cứ 15 người thì có một người bị ảnh hưởng bởi bệnh hiếm, tương đương với 6 triệu người chịu ảnh hưởng do bệnh hiếm gây ra. Trong đó, có tới 58% ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi.

Bắt đầu từ năm 2008, ngày cuối cùng của tháng hai hàng năm (28 hoặc 29/2) được chọn làm ngày "Bệnh hiếm thế giới" và tổ chức thường niên. Đến năm 2019, có khoảng hơn 100 quốc gia tổ chức và đồng hành cùng cộng đồng bệnh hiếm nhân ngày này.

Trong chương trình năm nay, bệnh teo cơ tủy nhận được nhiều sự chú ý với các hoạt động nhiều ý nghĩa từ nhóm người nhà trẻ em mắc teo cơ tủy.

Teo cơ tủy và bệnh hiếm tại Việt Nam: Gánh nặng cần được sẻ chia - 2
Nhật ký trẻ teo cơ tủy ghi lại những dòng tâm sự từ nhiều gia đình có bé mắc teo cơ tủy được phát trong sự kiện, giúp cộng đồng hiểu hơn những gánh nặng về tinh thần và vật chất gây ra do bệnh hiếm này.

Đại diện cộng đồng teo cơ tủy Việt Nam, chị Phương chia sẻ: "bệnh teo cơ tủy không chỉ đem đến nhiều khó khăn cho bệnh nhân và gia đình mà còn là thách thức với các y bác sỹ về mặt thăm khám, chẩn đoán, điều trị… Và một trong những mong muốn của các gia đình đó là có được sự hỗ trợ về chi phí từ cộng đồng và các tổ chức từ thiện, cũng như các chính sách hỗ trợ từ nhà nước bên cạnh nhu cầu nâng cao kiến thức về chăm sóc các bé tại nhà. Điều này sẽ giảm gánh nặng và giúp trẻ tiếp cận với điều trị hiệu quả hơn".

Teo cơ tủy và bệnh hiếm tại Việt Nam: Gánh nặng cần được sẻ chia - 3
PGS.TS.BS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo PGS.TS.BS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, thông thường các bệnh hiếm do căn nguyên di truyền và 95% chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nhưng nhờ công nghệ khoa học tiến bộ, một số bệnh hiếm như teo cơ tủy có nguyên nhân đột biến mất gen chức năng do di truyền, đã có giải pháp điều trị mới, có thể gọi là giải quyết được nguyên nhân của bệnh.

Tuy nhiên, hiệu quả điều trị bệnh này còn phụ thuộc rất nhiều vào việc các bé được phát hiện và điều trị thật sớm. Để làm được điều đó cần phải có các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các bệnh hiếm từ sớm.

"Ví như bệnh teo cơ tủy, từ lúc bé vừa sinh ra nếu nghi ngờ có dấu hiệu bệnh thì phải chuyển lên đúng tuyến chuyên môn như Bệnh viện Nhi Trung ương để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Điều này giúp các bé có thể phát triển và hòa nhập vào xã hội", bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Teo cơ tủy và bệnh hiếm tại Việt Nam: Gánh nặng cần được sẻ chia - 4
TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.

TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, ở Việt Nam, các bệnh hiếm được quan tâm từ rất sớm trong nhiều năm qua. Một số bệnh di truyền như teo cơ tủy được quan tâm chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Việc quản lý, chẩn đoán và điều trị đúng người bệnh hiếm luôn là vấn đề phức tạp, chi phí cao ngay cả đối với các nước phát triển. Điều này cần sự quan tâm, nhận thức của cả cộng đồng.

"Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y Tế đã tích cực tham mưu Bộ trưởng thực hiện nhiều giải pháp để từng bước triển khai kế hoạch, hỗ trợ các bệnh viện nhằm thực hiện tốt công tác quản lý chẩn đoán và điều trị các bệnh hiếm này. Các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng định hướng kế hoạch hành động về quản lý bệnh hiếm; xây dựng các chính sách về quản lý bệnh hiếm tại Việt Nam…", ông Khuê nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo bộ các chính sách về bệnh hiếm như cập nhật bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các danh mục bệnh hiếm. Đơn vị sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan nhằm tăng tiếp cận đối với bệnh hiếm, cũng như áp dụng kinh nghiệm từ nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người mắc bệnh hiếm.

Bệnh teo cơ tủy cũng nhận được quan tâm từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, cùng Công ty TNHH Novartis Việt Nam, thông qua việc phối hợp thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ trẻ em mắc teo cơ tủy" kéo dài 3 năm bắt đầu từ năm 2022. Với mong muốn tất cả trẻ em không may sinh ra mắc bệnh teo cơ tủy sẽ được nhanh chóng phát hiện, chẩn đoán bệnh, dự án sẽ thúc đẩy thông qua các qua xét nghiệm gen, kịp thời tiếp cận các hỗ trợ cũng như điều trị phù hợp. Điều này giúp trẻ mắc bệnh teo cơ tủy có cơ hội phục hồi chức năng vận động và hòa nhập với xã hội sau này.

Bệnh teo cơ tủy (SMA - Spinal Muscular Atrophy) là một bệnh thần kinh cơ di truyền hiếm gặp do nguyên nhân khiếm khuyết gen xảy ra với tần suất khoảng 1:11.000 trẻ sinh ra. Đây cũng là nguyên nhân di truyền hàng đầu gây tử vong ở nhũ nhi. Bệnh được chia làm nhiều loại, nặng nề nhất là loại 1 và 2. Bệnh nhân là trẻ nhũ nhi nếu được chẩn đoán mắc teo cơ tủy loại 1 thì không có khả năng sống sót quá 2 tuổi.

Với bệnh nhi mắc teo cơ tủy loại 2 thì trẻ sẽ không bao giờ có khả năng đứng và đi lại bình thường. Những bệnh nhi này thường sẽ mắc các di chứng liên quan đến hô hấp, dinh dưỡng, thực sự là gánh nặng đối với chính bản thân bệnh nhân, cho gia đình cũng như cho toàn xã hội.

Việc mất tế bào thần kinh vận động là không thể phục hồi, vì vậy bệnh teo cơ tủy cần thiết phải được chẩn đoán và điều trị sớm, bao gồm cả điều trị chăm sóc hỗ trợ chủ động càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Dự án "Nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ trẻ em mắc teo cơ tủy tại Việt Nam" do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Công ty TNHH Novartis Việt Nam thực hiện.

Dự án với tổng kinh phí hơn 8,1 tỷ đồng được thực hiện trong 3 năm tính từ tháng 12/2022 và được chia làm 4 hạng mục bao gồm: truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về bệnh teo cơ tủy; nâng cao năng lực chẩn đoán điều trị của cán bộ y tế; hỗ trợ xét nghiệm gen đặc hiệu cho các bé có nguy cơ mắc bệnh cao; tiến hành các nghiên cứu về bệnh tại Việt Nam, từ đó đề xuất chính sách hỗ trợ lâu dài và bền vững cho những trẻ mắc teo cơ tủy.

Dự án này cần có sự hợp tác của các bộ ngành đoàn thể như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, các hội y học cũng như các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên ngành sản nhi cả nước và cần cả sự chung tay đóng góp của toàn xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm