Tăng huyết áp - "Thủ phạm" chính gây đột quỵ não

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Tăng huyết áp đang ảnh hưởng đến 1,2 tỷ người trên toàn cầu và khoảng 17 triệu người tại Việt Nam. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra các biến cố đe dọa tính mạng người bệnh, trong đó có nguy cơ đột quỵ não.

78% số ca đột quỵ ở Việt Nam có liên quan đến tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng gia tăng áp lực của máu lên thành động mạch, xảy ra khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.

Hiện nay, tăng huyết áp đang gây ảnh hưởng đến hơn 1,2 tỷ người từ 30-79 tuổi trên toàn cầu. Dự báo đến năm 2025 thế giới sẽ có khoảng 1,56 tỷ người bị tăng huyết áp.

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng cũng ở mức cao. Thông tin được đưa ra tại chương trình "Nâng cao nhận thức về bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp" (tổ chức vào tháng 11/2022) cho thấy hiện có khoảng 17 triệu người Việt mắc bệnh tăng huyết áp. Cứ khoảng 4-5 người trưởng thành sẽ có 1 người bị tăng huyết áp.

Không những có tỷ lệ mắc cao mà căn bệnh này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, cuộc sống của người bệnh. Căn bệnh này được giới chuyên môn coi là "kẻ giết người thầm lặng", nếu không được kiểm soát đúng cách có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề sức khỏe như các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim, phình và bóc tách động mạch chủ, tắc động mạch ngoại biên...), đột quỵ não, sa sút trí tuệ, bệnh võng mạc, suy thận,…

Trong đó, tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hàng đầu trên thế giới và ở Việt Nam. Ở những người bị tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 3-4 lần so với người bình thường. Một nghiên cứu tại 10 trung tâm đột quỵ ở nước ta cho thấy khoảng 78% số người bị đột quỵ có liên quan đến tăng huyết áp.

Tăng huyết áp - Thủ phạm chính gây đột quỵ não - 1
78% số ca đột quỵ ở Việt Nam là do tăng huyết áp (Ảnh: Freepik).

Tăng huyết áp "gieo mầm" đột quỵ như thế nào?

Chia sẻ về cơ chế đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp, bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Lân, chuyên gia Nội khoa nhiều năm kinh nghiệm của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI cho biết, tăng huyết áp đáng sợ ở chỗ có thể gây đột quỵ ở cả 2 dạng là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não.

Hầu hết các trường hợp đột quỵ ở người bệnh tăng huyết áp liên quan đến sự hình thành và phát triển của 2 yếu tố là các mảng xơ vữa và cục máu đông trong lòng mạch máu.

Cụ thể, tình trạng tăng huyết áp mạn tính gây hư hại nghiêm trọng lớp niêm mạc của thành động mạch. Điều này khiến cholesterol xấu (LDL-Cholesterol) dễ dàng bám vào thành mạch máu, hình thành nên các mảng xơ vữa gây tắc hẹp các mạch máu, cản trở đường đi của máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể.

Nếu mạch máu não hoặc các động mạch đưa máu tới não (động mạch tim, động mạch cảnh) bị tắc nghẽn ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ.

Áp lực lớn và liên tục của dòng máu khiến các mảng xơ vữa vỡ ra, cùng với cơ chế tập kết tiểu cầu tạo nên các huyết khối trong lòng mạch. Nếu các huyết khối này di chuyển trong mạch máu não và gặp phải các đoạn mạch tắc hẹp do các mảng xơ vữa hoặc chứng co thắt mạch,... sẽ gây tắc nghẽn cục bộ. Quá trình cung cấp máu cho não bị gián đoạn gây ra đột quỵ nhồi máu não.

Mặt khác, sự gia tăng áp lực trong lòng mạch cũng khiến các mạch máu bị tổn thương nghiêm trọng, làm thành mạch suy yếu, phình giãn và dễ vỡ ra dẫn tới đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não).

Tăng huyết áp - Thủ phạm chính gây đột quỵ não - 2
Tăng huyết áp có thể gây đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não (Ảnh: Freepik).

Kiểm soát tăng huyết áp, giải trừ nguy cơ đột quỵ

Để phòng tránh đột quỵ, bác sĩ Lân khuyên mỗi người nên kiểm soát tốt huyết áp của mình. Tuy nhiên, một điều gây khó khăn cho công tác điều trị tăng huyết áp là không phải ai cũng biết mình mắc bệnh. Nguyên nhân khiến bệnh tăng huyết áp chưa được phát hiện là do bệnh thường không biểu hiện triệu chứng hoặc biểu hiện mơ hồ ở giai đoạn đầu. Thậm chí có những người không xuất hiện bất cứ triệu chứng đáng kể nào trong quá trình mắc bệnh, khiến việc chẩn đoán sớm trở nên khó khăn.

Thống kê cho thấy, khoảng 60% người bệnh tăng huyết áp biết mình mắc bệnh và có tới hơn 80% số người bị tăng huyết áp chưa được điều trị.

Tăng huyết áp - Thủ phạm chính gây đột quỵ não - 3
Tầm soát sớm để phát hiện và dự phòng các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, trong đó có tăng huyết áp. (Ảnh: TCI).

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lân, then chốt trong điều trị tăng huyết áp là chế độ dinh dưỡng phù hợp. Theo đó, cần chú trọng đảm bảo lượng muối, chất béo, đường trong khẩu phần ăn phù hợp với tình trạng bệnh thực tế.

Ngoài ra, bệnh nhân cần chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao với cường độ vừa phải để tăng cường sức khỏe, cải thiện tuần hoàn máu và giảm chất béo xấu trong máu.

Nếu đã mắc bệnh tăng huyết áp thì điều trị là việc cần làm suốt đời, kể cả khi huyết áp đã ổn định. Bạn cần tuân thủ đơn thuốc và thăm khám định kỳ để chắc rằng huyết áp của bạn luôn được kiểm soát.

Để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp cũng như các yếu tố nguy cơ khác như bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu,... phòng tránh đột quỵ xảy ra, người dân cần chủ động đi tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ tại cơ sở y tế uy tín.

"Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ" mà Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang triển khai được đánh giá là một trong những giải pháp thiết thực giúp kiểm tra các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ tiềm ẩn trong cơ thể, từ đó có biện pháp kiểm soát bệnh và dự phòng đột quỵ hiệu quả. Gói bao gồm các danh mục khám đầy đủ, chi tiết, được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm và phân chia theo các mức từ cơ bản đến nâng cao. Tháng 11 này, Thu Cúc TCI tặng 35% "Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ" tại cơ sở 32 Đại Từ, Hà Nội. Xem chi tiết tại: https://benhvienthucuc.vn/thu-cuc-tci-uu-dai-toi-35-kham-tam-soat-nguy-co-dot-quy/