Tái tạo mũi mới cho người đàn ông bị khối u ung thư “ăn” mất mũi
(Dân trí) - Bệnh nhân có khối ung thư đường kính 4cm trên mũi, lở loét. Khối u xâm lấn rộng vào sống mũi, chóp mũi, cánh mũi hai bên, trụ mũi, gốc mũi và một phần sụn.
Các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa thực hiện phẫu thuật triệt căn kết hợp tạo hình giúp bệnh nhân phục hồi chức năng thở đường mũi và đem lại kết quả thẩm mỹ.
Bệnh nhân là anh P.K.P, 42 tuổi, trú tại Ba Vì, Hà Nội. Anh cho biết từ lâu trên vùng chóp mũi đã xuất hiện mụn nhỏ, không gây khó chịu gì nên anh cũng không để ý. Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng gần đây khối u to lên rất nhanh kèm theo loét, chảy dịch. Lúc này anh mới đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội khám.
Tại đây, anh được chẩn đoán bị ung thư da mũi, cần được điều trị phẫu thuật sớm. Khối ung thư sưng to, sùi loét gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u giúp điều trị bệnh và tạo hình lại chiếc mũi, sao cho vừa phục hồi được chức năng đường thở vừa đem lại thẩm mỹ cho khuôn mặt.
Bệnh nhân trải qua 2 cuộc mổ trong vòng 14 ngày. Lần thứ nhất, bệnh nhân được cắt bỏ rộng rãi khối u, lấy da từ vùng trán xuống để tạo hình mũi, chiếc mũi mới này được nuôi dưỡng bởi mạch máu lấy từ vùng trán trong vòng 2 tuần. Lần thứ hai, bác sĩ cắt bỏ mạch máu nuôi lấy từ vùng trán, đồng thời tạo hình thêm cho chiếc mũi.
“Tôi đã rất tự ti, buồn chán vì khuôn mặt xấu xí trước đây của mình. Thật không ngờ có ngày mũi của mình có thể trở về hình dạng giống ban đầu như thế này”, anh P vui vẻ nói khi “tìm lại” được chiếc mũi.
Theo ThS.BS Trần Chí Dũng, khoa Ngoại Đầu Cổ, người thực hiện ca phẫu thuật cho biết, lần cấy ghép đầu tiên là phức tạp nhất do khối u xâm lấn rộng vào sống mũi, chóp mũi, cánh mũi hai bên, trụ mũi, gốc mũi và một phần sụn. Ca phẫu thuật kéo dài trong 3 giờ đồng hồ.
Bên cạnh đó, tạo hình mũi là loại phẫu thuật tạo hình phức tạp bậc nhất ở vùng mặt, đặc biệt khi khối u có kích thước lớn, vùng mũi bị u xâm lấn rộng làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên đáng mừng là sau phẫu thuật lần 2 cho kết quả rất khả quan.
Ung thư da là một trong các bệnh ung thư thường gặp, dễ chẩn đoán bằng mắt thường. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm.
Để phát hiện sớm ung thư da, mọi người có thể tự quan sát toàn bộ da trên cơ thể, đặc biệt là vùng da hở, tốt nhất là sau mỗi lần tắm.
Đồng thời nên đi khám định kỳ 3 năm một lần ở độ tuổi 30-39 và khám hàng năm sau tuổi 40. Những người có nguy cơ cao là tiền sử gia đình có người thân bị ung thư da, bị những bệnh da có nguy cơ chuyển thành ung thư hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần đi khám đều đặn.
Bạn có thể giảm nguy cơ ung thư da bằng cách hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với tia cực tím (UV). Đồng thời kiểm tra làn da của bạn để phát hiện những thay đổi đáng ngờ để có thể phát hiện ung thư da ở giai đoạn sớm nhất.
Hà An