Tại sao những người thức khuya dễ chết sớm?
(Dân trí) - Một nghiên cứu cho biết những “cú đêm” - những người thích đi ngủ muộn và thức dậy muộn - có nguy cơ tử vong cao hơn 10% so với những “chim sơn ca” - những người ưa dậy sớm và ngủ sớm.
Nghiên cứu dựa trên 50.000 người ở Anh cho thấy họ có nguy cơ tử vong cao hơn trong thời gian 6,5 năm nghiên cứu.
Có vẻ như việc sống trong một thế giới hướng tới những người dậy sớm sẽ làm tổn thương sức khoẻ của những người thích ngủ muộn.
Kristen Knutson, phó giáo sư thần kinh thuộc Trường Y Feinberg, Đại học Tây Bắc cho biết: "Các “cú đêm” đang cố gắng sống trong một thế giới rạng rỡ buổi sáng có thể gặp phải những hậu quả đối với sức khỏe".
Nghiên cứu trước đây đã thấy rằng thức khuya có ảnh hưởng xấu đến tim và chuyển hóa.
Nhưng các “cú đêm” vẫn có nguy cơ tử vong cao hơn 10% sau khi hiệu chỉnh những tác động đối với sức khoẻ.
Malcolm von Schantz, Giáo sư về đồng hồ sinh học tại Đại học Surrey, nói: "Đây là vấn đề sức khoẻ cộng đồng không thể bỏ qua.
"Chúng ta nên thảo luận để cho phép những kiểu bắt đầu và kết thúc công việc muộn hơn, nếu có thể.
"Và chúng ta cần nghiên cứu thêm về cách giúp những người thích buổi tối đối phó với những nỗ lực cao hơn nhằm giữ cho đồng hồ sinh học đồng bộ với đồng hồ mặt trời.
"Có thể những người dậy muộn có đồng hồ sinh học bên trong không phù hợp với môi trường bên ngoài của họ.
"Đó có thể là stress tâm lý, ăn uống sai giờ đối với cơ thể, không tập thể dục đủ, không ngủ đủ, tự thức giấc vào ban đêm, dùng ma túy hoặc rượu.
"Có rất nhiều hành vi không lành mạnh liên quan đến việc thức đêm".
Các nhà nghiên cứu đã hỏi 433,268 người, tuổi từ 38 đến 73 xem họ có phải là "kiểu người buổi sáng rõ ràng", “kiểu người buổi sáng vừa phải”, "kiểu người buổi tối vừa phải" hoặc "kiểu người buổi tối rõ ràng".
Các trường hợp tử vong trong mẫu được theo dõi đến 6,5 năm sau đó - và sau đó người ta tính xem kiểu người nào dễ tử vong nhất.
GS. Knutson cho biết chúng ta không được “quy định” về mặt sinh học là thuộc loại “cú đêm” hay “sơn ca”, có nhiều điều mà chúng ta có thể thay đổi để có lợi cho sức khoẻ, như giờ làm việc linh hoạt hơn.
"Nếu chúng ta có thể nhận ra những kiểu đồng hồ sinh học này được quyết định một phần bởi di truyền chứa không chỉ là một “khiếm khuyết” về tính cách, thì có thể có những công việc và giờ làm việc linh hoạt hơn cho các “cú đêm”.
"Không nên buộc họ phải thức dậy để đi làm lúc 8 giờ sáng. Hãy xây dựng những giờ làm việc thích hợp với mọi người. Một số người có thể phù hợp hơn với làm việc ca đêm. "
Dự án tiếp theo của các nhà nghiên cứu là xem các “cú đêm” có thể thay đổi đồng hồ cơ thể để thích nghi với một thời gian biểu sớm hơn - để xem liệu có sự cải thiện về huyết áp và thân nhiệt hay không.
Việc đổi sang giờ làm việc mùa hè đã được biết là khó khăn hơn nhiều đối với “kiểu người buổi tối” hơn là “kiểu người buổi sáng”.
GS. von Schantz cho biết việc chuyển giờ ở những nước áp dụng giờ mùa hè và giờ mùa đông có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
"Đã có báo cáo về tỷ lệ các ca đau tim tăng lên sau khi chuyển sang giờ mùa hè.
Và chúng ta phải nhớ rằng ngay cả một nguy cơ tăng thêm rát nhỏ cũng sẽ phải nhân với hơn 1,3 tỷ người phải thay đổi giờ hàng năm.
"Tôi nghĩ chúng ta cần nghiêm túc xem xét liệu những lợi ích được đề xuất có lớn hơn những nguy cơ này hay không".
Cẩm Tú
Theo DM