Tại ngoại cho bác sĩ chạy thận: Quá trình điều tra, xét xử bị ảnh hưởng như thế nào?
(Dân trí) - Ngay sau khi cơ quan tố tụng thay đổi biện phạm ngăn chặn, cho bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ luật, luật sư Lê Văn Thiệp.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc, bác sĩ Hoàng Công Lương vừa được cơ quan tố tụng tỉnh Hoà Bình thay đổi biện pháp ngăn chặn cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú, Tiến sĩ luật, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc thay đổi biện pháp ngăn chặn không làm ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án này.
Sau khi được tại ngoại bác sĩ Hoàng Công Lương có điều kiện sức khỏe và tinh thần tốt hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như tích cực giúp đỡ cơ quan cảnh sát điều tra trong việc giải quyết vụ án.
Mặt khác, việc cho bác sĩ Hoàng Công Lương tại ngoại đã cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hòa Bình đã thể hiện sự tôn trọng, cầu thị, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến của ngành y tế, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế, các luật sư và của xã hội trên cơ sở đánh giá vụ việc một cách cẩn trọng, khách quan, toàn diện hơn. Việc làm này đã đem lại niềm tin, sự vững tâm cống hiến của toàn bộ y, bác sỹ, nhân viên y tế trên cả nước trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
Theo Tiến sĩ luật Lê Văn Thiệp, sau khi báo chí đưa tin vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố và bị bắt tạm giam để điều tra về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo mà tội danh và hình phạt được quy định tại điều 242 Bộ luật Hình sự đã nhận được sự quan tâm đặc biệt đối với các bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước cũng như toàn xã hội.
Theo nhận định ban đầu của nhiều luật sư, việc khởi tố Bác sỹ Hoàng Công Lương chưa có đủ căn cứ vững chắc do vậy chứa đựng nguy cơ làm oan người không phạm tội.
Việc cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn theo điều 88 BLTTHS sau khi thân nhân của bị can thực hiện thủ tục Bảo lĩnh (theo Bộ luật tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn - pv) cho bị can tại ngoại là việc làm rất kịp thời và phù hợp pháp luật.
Quyết định tại ngoại là phù hợp pháp luật
Theo quy định của pháp luật thì đối với bị can là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, đây là những điều kiện cần mà pháp luật quy định để có thể cho phép thân nhân thực hiện việc bảo lĩnh theo điều 92 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Theo quy định tại điều 92 BLTTHS, bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh .
Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.
Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.
Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.”
Tuấn Hợp