Tai nạn bỏng “nóng” ngay từ đầu hè
(Dân trí) - "Mới đầu hè, số bệnh nhân bỏng đã tăng mạnh. Mỗi ngày, có trên dưới 40 ca bị bỏng đến khám, trong nửa số đó phải vào viện điều trị", TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng Quốc gia, cho biết.
Mấy ngày qua, 2 ca bỏng tập thể được chuyển đến viện Bỏng đều trong tình trạng rất nặng. Cụ thể, 4 người bị bỏng do khai thác than thổ phỉ ở Hoà Bình, 2 người bỏng do nổ bình gas.
“Nhất là 4 bệnh nhân bỏng do khai thác than. Họ đều bị bỏng đường hô hấp, một thể bỏng nguy hiểm, điều trị vô cùng khó khăn, tốn kém và lâu dài. Giờ tuy đã qua cơn nguy kịch, nhưng chắc chắn, họ còn phải gắn bó với bệnh viện dài dài vì những tổn thương bỏng đường hô hấp rất lâu được khắc phục.
Riêng các ca bỏng ở trẻ em, chủ yếu là bỏng nước sôi, hay gặp nhất là lứa tuổi nhỏ đang bò, tập đi. Ngày 14/5, riêng tại khoa Bỏng trẻ em có 30 bệnh nhi đang được điều trị, trong đó, đa phần là bỏng nước sôi.
Tại phòng bệnh 415, bệnh nhi N.C.Thắng, Hưng Yên nằm lịm đi trên giường, hai chân, bộ phận sinh dục đều bị băng trắng xoá. Khuôn mặt non tơ, bé bỏng thỉnh thoảng lại có cái nhíu mày, giật mình vì đau đớn. Cháu mới 19 tháng tuổi, vừa chập chững biết đi.
Mẹ cháu rầu rầu kể, ở nhà, luôn có người trông cháu nhưng đôi khi cũng có phút sơ sểnh. Hôm đó, cháu bò lồm cồm trên sàn nhà, đến gần nơi để phích nước ở góc tường nhưng không ai để ý. Bỗng choang một cái, cùng với tiếng khóc thét của bé, chị mới chạy vội vào thì thấy từ bụng xuống hai bàn chân con đã bị bỏng đỏ mọng. Cả nhà vội quá chẳng biết sơ cứu như thế nào, vội ôm bé đi bệnh viện trong tiếng khóc ngằn ngặt, rồi lịm dần đi của bé vì quá đau đớn.
Được chuyển lên viện Bỏng Quốc gia, cháu được xác định bỏng sâu 23% và còn phải điều trị lâu dài. Một khó khăn trong điều trị cho cháu, đó là cháu bị bỏng nặng nhưng lại bị bệnh tim bẩm sinh.
Nằm sát giường Thắng là cô bé N.T. Linh (Hải Dương),10 tháng tuổi, mới được 7,5kg. Bé cũng đang ngủ thiêm thiếp, miệng vẫn ngậm bầu vú mẹ và hai chân cũng bị băng trắng xoá.
Bé được bà bế sang nhà hàng xóm chơi. Mải chuyện, không ai để ý bé đang bò thoăn thoắt đến phích nước màu đỏ ngay góc tường. Bé Linh được xác định là bỏng 15%, trong đó, 11% là bỏng sâu.
Bệnh nhi V.Q. Thắng, 14 tuổi, Mỗ Lao, Hà Đông thì đang tỉnh, mặt nhăn, môi mím lại vì đau đớn khi người bố đang cố dựng cho em ngồi lên. Em bị bỏng điện cao thế, phải cắt mất một tay. Tình trạng toàn thân vẫn còn rất nặng nề dù đã được điều trị hơn một tháng. Khi hỏi, cháu thều thào kể về trò nghịch dại của mình.
Chẳng là nhà cháu đang sửa nhà, cháu đã leo lên hành lang nhà đang xây, lấy gậy quất lên đường dây điện cao thế sát đó. Sau đó cháu bị ngất đi, không biết gì, khi tỉnh dậy chỉ thấy toàn thân bất động và có một cảm giác vô cùng đau đớn. Cháu rất sợ mỗi khi thay băng vì rất đau đớn và vô cùng ân hận vì trò nghịch dại của mình.
850.000 bệnh nhân bỏng mỗi năm
Theo thống kê, số lượng tai nạn bỏng trong cả nước đứng thứ hai chỉ sau tai nạn giao thông, với khoảng 20.000 đếm 25.000 bệnh nhân bỏng mỗi năm. Nhưng trên thực tế, con số này còn cao hơn rất nhiều. Do có nhiều bệnh nhân bỏng ở vùng sâu vùng xa, bệnh nhân nặng không đi điều trị, bệnh nhân nhẹ tự điều trị tại nhà, tại thầy lang…
Thống kê xác xuất của Viện bỏng phối hợp với Quỹ Châu Á trong dự án “Phòng chống tai nạn bỏng cho cộng đồng, tập trung vào đối tượng trẻ em và nhóm nguy cơ cao” tại 30 tỉnh, thành cho thấy, tai nạn bỏng chiếm khoảng 1% dân số. Nghĩa là mỗi năm, có khoảng 850.000 bệnh nhân bỏng. |
TS Lượng khẳng định, nếu sơ cứu đúng, nhanh cho bệnh nhân trước khi đưa tới việc sẽ giảm được nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Nhiều ca bỏng nặng, bỏng rộng nhưng được cứu sống và để lại di chứng không đáng kể nhờ có sự cấp cứu và chăm sóc cấp cứu ban đầu tốt.
Như trường hợp của cháu Linh, cháu Thắng, nếu gia đình bình tĩnh, ôm cháu ra nơi vòi nước, nhanh chóng ngâm chỗ bỏng vào nước sạch vừa giúp giảm đau, hạ nhiệt độ bề mặt da thì chắc chắn, không bị bỏng sâu nhiều như hiện tại. Nhưng cần lưu ý, chỉ dùng nước sạch bình thường ngâm vết bỏng, tuyệt đối không ngâm cả người vào nước đá lạnh sẽ rất nguy hiểm vì nó gây co mạch và tụt thân nhiệt.
Nguyên nhân là vết bỏng thì đang rất nóng, nếu đột ngột ngâm trẻ vào nước lạnh (nước đá), nhất là lại ngâm lâu sẽ khiến sẽ bị hạ thân nhiệt dẫn đến cảm lạnh và gây co sẽ khiến việc cứu chữa thêm phức tạp (vừa phải chữa cảm lạnh, vừa phải cấp cứu bỏng). Sau đó dùng băng sạch băng ép lại và đưa ngay trẻ tới bệnh viện.
Bên cạnh đó, quá đau đớn, sợ hãi, mất nước qua vết bỏng khiến bệnh nhân bị rối loạn vi tuần hoàn (giảm lượng máu lưu thông) nên bệnh nhân bỏng bị sốc rất nặng. Vì thế, cần phòng sốc, càng bù dịch nhanh càng tốt, đơn giản nhất cho bệnh nhân uống. Với trẻ đang bú sữa mẹ phải cho bú liên tục, uống thêm nước, đặc biệt những nước có khoáng, có muối như oresol.
Việc điều trị đúng, sớm cũng giảm nguy cơ để lại tai biến. Như mới đây, Viện Bỏng đã tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân 17 tuổi, người dân tộc ở Cao Bằng. Bệnh nhân này bị bỏng từ khi lên 2 tuổi, nhưng do không được chữa trị, các vết bỏng gây co kéo da, khiến tay chân bệnh nhân đều co cắp, trở nên tàn phế. Dù bệnh nhân này đã được phẫu thuật kéo thẳng tay, chân nhưng vẫn không thể đi lại vì tay chân đã bị teo tóp.