1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tai biến sản khoa: chờ giám định

Việc liên tiếp xuất hiện các tai biến sản khoa đã khiến sản phụ và toàn xã hội lo lắng và theo ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em, Bộ Y tế, kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong mẹ thời gian qua còn chờ kết quả giám định pháp y.

“Đến nay chúng tôi mới nhận được báo cáo giám định pháp y của hai trường hợp tai biến ở TP.HCM và Quảng Nam. Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu trong tất cả trường hợp tai biến đã xảy ra, ngoài các nguyên nhân như thuyên tắc ối, phải nghiêm túc xem xét có những nguyên nhân gì nữa không! Có phải do thiếu cán bộ, tổ chức bố trí nhân lực chưa hợp lý hay có sai sót về tuân thủ quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện, về chẩn đoán, tiên lượng hay nguyên nhân thuộc về trình độ cán bộ để từ đó có giải pháp đồng bộ”, ông Nguyễn Duy Khê nói.

 

Thưa ông, vậy trong những ca tai biến xảy ra thời gian qua và đã có báo cáo gửi Bộ Y tế, trường hợp nào ông cho là có nguyên nhân từ sai sót quy trình, chẩn đoán, tiên lượng, cán bộ yếu...?

 

Tai biến sản khoa: chờ giám định

Ông Nguyễn Duy Khê
 
Phấn đấu 100% bệnh viện tuyến huyện có thể sinh mổ

 

Để giảm tai biến sản khoa, theo ông Nguyễn Duy Khê, cần triển khai đồng bộ các giải pháp: củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí đủ cán bộ cho các khoa sản, khoa nhi của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và đảm bảo trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu hồi sức.

 

Phấn đấu 100% các bệnh viện huyện (trừ các bệnh viện huyện gần bệnh viện tỉnh trong khoảng cách dưới 20km hoặc có thể tiếp cận được với bệnh viện tỉnh trong thời gian không quá 60 phút) có thể thực hiện mổ đẻ và truyền máu.

Chúng tôi đang chờ báo cáo của các đoàn kiểm tra. Hiện đoàn của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện phụ sản TƯ đang đi Quảng Ngãi, Hưng Yên và Đồng Nai. Quan điểm của Bộ Y tế là không bao che, phát hiện sai sót phải xử lý nghiêm. Tai biến sản khoa vẫn là thách thức lớn đối với các thầy thuốc do tính chất của tai biến sản khoa thường xảy ra nhanh, diễn biến bất thường và rất khó dự đoán. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 10 triệu ca tai biến sản khoa trong tổng số 80 triệu ca sinh, mỗi ngày có 1.000 ca tử vong mẹ. Tử vong mẹ ở Việt Nam (69/100.000 trẻ đẻ sống), thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Myanmar, nhưng cao hơn Thái Lan, Malaysia, Singapore.

 

Trong những báo cáo tai biến sản khoa xảy ra thời gian qua, nhiều trường hợp thể hiện rõ có tình trạng chậm trễ. Bộ Y tế có thấy điều này?

 

Ngoài kiểm thảo tử vong theo quy chế bệnh viện, Bộ Y tế đang chỉ đạo thực hiện hoạt động thẩm định tử vong mẹ. Hoạt động này trước đây đã được triển khai ở một số địa phương. Từ năm 2010, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các sở y tế đẩy mạnh và mở rộng triển khai hoạt động này trong phạm vi toàn quốc. Đây là hoạt động nhằm rút kinh nghiệm về chuyên môn, trên cơ sở xem xét đánh giá chi tiết quá trình chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản phụ, từ đó rút kinh nghiệm xem tai biến do đâu, có liên quan đến chuyên môn hay do các nguyên nhân khác, giúp các thầy thuốc nâng cao chất lượng điều trị, xử trí cấp cứu, tránh không để xảy ra các trường hợp tai biến tương tự.

 

Có ý kiến cho rằng đang thiếu rất nghiêm trọng cán bộ sản khoa. Ông thấy hệ thống hiện tại đã đủ đảm đương phục vụ trên 1 triệu ca sinh đẻ mỗi năm và nhiều dịch vụ liên quan đến sản phụ khoa khác?

 

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, không chỉ thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi mà thiếu cả bác sĩ chuyên khoa sản, không chỉ thiếu ở tuyến huyện mà thiếu cả ở tuyến tỉnh. Bộ Y tế đang xây dựng quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh sản nhi và xây dựng kế hoạch tổng thể về nguồn nhân lực y tế, trong đó có nguồn nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa.

 

Tất cả những ca chết mẹ do tai biến sản khoa gần đây đều ở tại các tỉnh thành đồng bằng, thành phố có điều kiện nhân lực. Vụ có báo cáo nào phân tích trong số các trường hợp chết mẹ do tai biến sản khoa hằng năm, có bao nhiêu trường hợp ở vùng núi, vùng sâu, bao nhiêu trường hợp tại đồng bằng hay không?

 

Theo số liệu báo cáo tai biến sản khoa và tử vong mẹ, dù chủ yếu vẫn xảy ra ở các tỉnh/khu vực miền núi nhưng cũng có nhiều ca tử vong mẹ xảy ra tại các tỉnh đồng bằng, kể cả ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên. Để có số liệu tương đối chính xác về tử vong mẹ cần dựa vào điều tra nghiên cứu và chỉ có thể làm định kỳ 5-10 năm một lần do tổ chức điều tra rất tốn kém. Bộ Y tế rất muốn có số liệu đại diện cho từng vùng sinh thái, từng địa phương nhưng muốn vậy thì cỡ mẫu sẽ rất lớn, trong thực tế không thể làm được.

 

Một trẻ bị ngạt sau sinh

 

Qua đường dây nóng, người nhà chị Vũ Thị Chính (39 tuổi, ngụ Q.12, TPHCM) cho biết ngày 17/5, chị đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định khám thai tháng thứ chín khi thấy mình bị chảy nước ối. Bác sĩ khám và nói bình thường nên cho về. Đến ngày 18/5, chị Chính tiếp tục chảy nước ối trở lại bệnh viện, chị được nhập viện chờ sinh. Theo người nhà, đến 11h trưa 19/5 bác sĩ trưởng khoa sản khám và chỉ định mổ lấy thai gấp cho chị Chính. Đến 13h cùng ngày, bệnh viện cho biết bé gái con đầu lòng của chị Chính nặng 3,7kg sau khi ra đời đã nguy kịch, phải chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để theo dõi. Gia đình cho rằng do Bệnh viện Nhân Dân Gia Định can thiệp mổ quá trễ, khiến em bé bị ngộp nước ối gây chết não.

 

Ngày 28/5, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, khẳng định không có việc chậm trễ trong xử trí và hiện tượng vỡ ối đối với sản phụ Vũ Thị Chính. Theo bác sĩ Dũng, ngày chị Chính đến khám thai là 14/5. Khi đó thai phát triển hoàn toàn bình thường và được 40 tuần. Do không có dấu chuyển dạ cũng như chảy ối như người nhà mô tả nên bệnh viện cho về. Đến ngày 18/5 chị trở lại tái khám, vì thai đã ở tuần thứ 41 nên bệnh viện cho nhập viện để chuẩn bị sinh. Lúc này chị Chính cũng chưa có hiện tượng chảy ối. “Đến 11h40 ngày 19/5, đánh giá thai kỳ ở người lớn tuổi như chị Chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên khoa sản quyết định cho mổ chủ động chứ không phải chỉ định khẩn cấp - bác sĩ Dũng nói - Ngoài ra, các kết quả siêu âm, đo nước ối, nghe tim thai đều hoàn toàn bình thường trước khi phẫu thuật, do đó cũng không có chuyện em bé bị ngộp ối”. Tuy nhiên, sau khi được đưa ra khỏi tử cung mẹ, chỉ số áp ga của em bé quá thấp so với bình thường. Bác sĩ Dũng giải thích em bé đã bị ngạt sau sinh: “Đây là hiện tượng hiếm gặp, chỉ xuất hiện khi em bé ra khỏi môi trường sống trong bụng mẹ, do một bất thường nào đó mà em bé không tự hô hấp được trong điều kiện môi trường sống mới”.

 

Liên quan đến ca tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Trang vào ngày 26/5, cũng tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, bác sĩ Dũng nói cho đến giờ phút này bệnh viện khẳng định nguyên nhân tử vong của chị Trang là do thuyên tắc phổi. Nếu muốn truy cứu trách nhiệm liên quan đến kíp mổ, bộ phận hậu phẫu thì cần biết thêm những thông tin dựa trên cơ sở pháp y. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân đã không cho mổ tử thi.

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ