Sự thờ ơ và suy nghĩ lối mòn của bác sĩ đã giết chết sản phụ

Hàng chục ca tử vong tương tự ở nhiều địa phương khác nhau đã liên tiếp diễn ra trong 2 tháng qua... TS.BS Huỳnh Thị Thu Thuỷ, PGĐ BV Từ Dũ, TPHCM, Trưởng đoàn giám sát sản khoa bộ Y tế tại một số bệnh viện miền Trung, đã chia sẻ về câu chuyện nóng bỏng này:

 
T
Thi thể sản phụ Huỳnh Phan Thanh Tùng ở Quảng Ngãi được đưa từ bệnh viện về nhà an táng 

 

“Chuyến giám sát của chúng tôi nằm trong hoạt động chỉ đạo tuyến hàng năm của bệnh viện Từ Dũ đối với những bệnh viện tuyến trước, thường là 1 - 2 lần/năm. Trước đó chúng tôi cũng đi giám sát tình hình tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, phòng chống nhiễm khuẩn”, bà Huỳnh Thị Thu Thuỷ nói.

 

Tại bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, ghi nhận của đoàn như thế nào?

 

Bệnh viện này còn nhiều hạn chế. Trước nhất về nhân sự, mặc dù khoa sản có 14 bác sĩ, nhưng thường không bao giờ đủ vì bác sĩ đi học, nghỉ ốm và công tác. Ngoài ra, như nhiều bệnh viện miền Trung khác, trang thiết bị chuyên môn, thuốc men của khoa cũng không đủ. Tuy nhiên, đáng lo nhất là tình trạng bác sĩ thiếu cập nhật kiến thức chuyên môn.

 

Thưa bác sĩ, những hạn chế này chắc chắn đã diễn ra từ lâu, vậy vai trò chỉ đạo tuyến của bệnh viện Từ Dũ như thế nào?

 

Đúng thế, tình trạng này không phải mới đây, và hàng năm sau khi đi giám sát một vòng chúng tôi đều tổ chức giao ban cụm, mời tất cả bệnh viện về để cập nhật kiến thức chuyên môn, nêu ra ưu, khuyết điểm và biện pháp để họ khắc phục. Thế nhưng đáng tiếc là không phải bệnh viện nào cũng dự giao ban, và khi dự về, nhiều bệnh viện cũng không chịu khắc phục, sửa chữa.

 

Thật lạ, vậy tại sao khoa sản của các bệnh viện này vẫn hoạt động được?

 

Theo tôi, có lẽ chỉ sau những ca tai biến sản khoa, tử vong mẹ, con vừa qua thì các bệnh viện tuyến tỉnh mới quan tâm đến sản khoa, chứ trước đó họ không lưu ý, vì đó là bệnh viện đa khoa mà. Một thí dụ là khi khoa sản xin trang thiết bị gì thì họ thường phải chờ một thời gian rất lâu mới được đáp ứng. Đơn giản nhất là túi hứng máu sản phụ khi sanh, trị giá chỉ hơn chục ngàn đồng/túi, rất cần cho những cuộc sanh, nhưng cho đến nay nhiều khoa sản bệnh viện tuyến trước cũng không có. Không có túi này, nhân viên y tế chỉ biết đánh giá máu mất bằng mắt thường, không chính xác, khiến việc truyền máu và hồi sức cho sản phụ không đủ, có thể dẫn đến những tai biến nghiêm trọng và không trở tay kịp. Tuy nhiên, ngay cả khi không có túi này, bệnh viện Từ Dũ chỉ họ khắc phục bằng cách chế những ca nhựa chia vạch để hứng máu, đáng tiếc là người ta cũng không áp dụng. Thay đổi một thói quen thật vô cùng khó. Cũng phải nói thêm việc điều trị em bé non tháng của một số bệnh viện còn hạn chế. Chẳng hạn bệnh viện Quảng Ngãi không điều trị được các bé sinh non dưới 1,7kg, trong khi y học ngày nay đã điều trị được các bé vài trăm gram.

 

Thưa bác sĩ, vậy vai trò của nhà quản lý y tế ở đâu?

 

Bộ Y tế chỉ ban hành phác đồ điều trị, chuẩn quốc gia hướng dẫn chuyên môn và việc áp dụng hay không thì tuỳ tình hình mỗi địa phương, không ai bắt buộc họ được. Tôi đi Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi tìm hiểu thì thấy các bệnh viện thiếu không ít loại thuốc quan trọng trong sản khoa như thuốc hạ áp chống sản giật. Không có thuốc này, người ta thay bằng những thuốc khác, tác dụng không như mong muốn và người bệnh chỉ biết lãnh đủ.

 

Hàng chục ca tử vong mẹ, tử vong con khi sanh nở, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đó là một thực tế bây giờ mới được nói đến và đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương?

 

Xảy ra hàng loạt ca tử vong thời gian qua theo tôi có ba nguyên nhân: số sanh gia tăng, người dân ngày càng hiểu biết – thông tin nhanh nhạy, và bây giờ chúng ta mới chú ý, phản ánh vấn đề này. Thực sự thì tử vong khi sanh nở trước đây vẫn có, không khác gì ngày nay. Bộ Y tế biết chuyện này và vẫn ráo riết tìm biện pháp để khắc phục như ban hành chỉ thị hạn chế tử vong sản khoa, lập đoàn giám sát hàng năm. Mỗi lần đi giám sát, chúng tôi đều mời sở y tế địa phương tham dự để nghe phản hồi và biết cách khắc phục, nhưng đáng tiếc là không phải địa phương nào ngành y tế cũng quan tâm. Năm qua, đoàn chúng tôi giám sát sản khoa ở tỉnh Bình Định, không một ai của sở Y tế đến dự. Khi thấy chúng tôi làm căng quá, người ta mới cử người và đó là một nhân viên “quèn” của sở y tế đến ghi chép để về nói lại cho ban giám đốc. Tôi không biết người nhân viên này có nói lại hoặc ban giám đốc có chịu nghe hay không chứ khi quay lại thì tình hình vẫn… y như cũ!

 

Trước những thực trạng vừa đề cập, tại sao những cơ quan chuyên trách như vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em không đưa ra những mệnh lệnh, quy định buộc địa phương phải quan tâm, chấn chỉnh tình hình?

 

Có lẽ trước nay mọi chuyện vẫn tốt, không có chuyện gì xảy ra, nên biết thì biết thế thôi, người ta thấy không cần đưa ra thêm quy định gì. Nay thì xảy ra hàng loạt ca tử vong khi sinh nở, đến một con số báo động nào đó, mọi người mới bắt đầu quan tâm.

 

Là một chuyên gia sâu về sản khoa, qua những ca tử vong vừa rồi bác sĩ có nhận ra được một điểm chung nào không?

 

Điểm giống nhau của những ca này là sản phụ đau bụng dữ dội và người nhà sản phụ đề nghị bác sĩ cho mổ, nhưng bác sĩ lại thờ ơ cho rằng ca sanh nào cũng như thế. Tuy nhiên, trong chuyển dạ, đau bụng là dấu hiệu cho thấy tử cung đang gò rất nhiều và có thể dẫn đến vỡ ối, vỡ tử cung. Khi ối vỡ, nước ối sẽ bị đẩy vào hệ tuần hoàn và gây ra thuyên tắc ối. Hiện nay, khi nghe sản phụ hoặc người nhà đau bụng đòi mổ lấy thai, nhân viên y tế thường từ chối và cho rằng mổ xẻ không tốt. Sự cứng nhắc ở đây theo tôi là chưa đúng, nhân viên y tế cần phải khám kỹ, phân tích chính xác và đưa ra quyết định kịp thời. Dĩ nhiên, cũng có không ít sản phụ nhõng nhẽo hoặc ngưỡng chịu đau kém, đòi hỏi không hợp lý. Điều này làm cho người nhân viên y tế lầm lẫn, không phân biệt đâu là đau thật và không thật. Ở đây chúng ta cần nhìn vấn đề từ hai phía: bác sĩ không được thờ ơ, suy nghĩ theo lối mòn vì điều này dễ dẫn đến việc bỏ sót những triệu chứng gợi ý tai biến; ngược lại, sản phụ cũng nên phản ánh trung thực tình trạng của mình.

 

Thưa bác sĩ, tử vong sản khoa và tử vong trong y khoa nói chung cần được nhìn nhận một cách toàn diện và tìm ra cái gốc của vấn đề để giải quyết. Ở đây, đâu là nguyên nhân sâu xa?

 

Ở hệ thống y tế các tỉnh hiện nay, tôi thấy tình trạng bác sĩ “chân trong chân ngoài” còn khá nhiều. Chúng ta cần rốt ráo giải quyết vấn đề này để giúp họ có được một đồng lương bảo đảm cuộc sống, toàn tâm toàn ý cho công việc. Có trạm y tế xã tôi đến làm việc, tôi hỏi trưởng trạm ở đâu, người ta cho biết người này đang ra đồng cấy lúa. Trong hoàn cảnh như thế, làm sao chúng ta đòi hỏi ngành y tế phục vụ người dân tốt cho được. Do cuộc sống không đủ, không toàn tâm cho công việc, nên người nhân viên y tế bỏ qua nhiều chuyện, từ chuyện nhỏ như chăm chút cái bìa bệnh án cho đến chuyện lớn là tuân thủ phác đồ điều trị.

 

Đời sống của người nhân viên y tế quả là câu chuyện đáng quan tâm, nhưng có ý kiến cho rằng sâu xa ở đây còn là chuyện đào tạo. Bác sĩ chia sẻ điều này như thế nào?

 

Đào tạo bác sĩ quả còn quá nhiều chuyện để bàn. Ở bệnh viện Từ Dũ hiện nay không thiếu gì bác sĩ tuyến trước được cử đến học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ nhưng theo tôi phần lớn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Họ làm việc ở đây mà không có trách nhiệm gì hết, khám bệnh có người khác ký thay, vào phòng mổ, cùng lắm là được phụ mổ ca dễ chứ ca khó thì bác sĩ bệnh viện làm hết rồi. Cái học ở đây chỉ là sính bằng cấp, không phải là thực chất, ít có người nào chịu học thật và học xong để quay về địa phương phục vụ. Không ít người học xong tìm cách ở lại thành phố, đi làm ở các bệnh viện tư nhân. Để giải quyết chuyện đào tạo nhân lực ngành y, nếu đổi mới từ bây giờ, theo tôi, chúng ta phải mất 10 – 15 năm nữa mới có được kết quả mong muốn.

 

“Không phòng ngừa được”

 

Theo giải thích của ông Huỳnh Ngọc Thanh, trưởng khoa phụ sản, bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, trẻ em tử vong là do “tai biến” khi sinh, bác sĩ không phòng ngừa được tất cả các trường hợp này. Trong khi đó, khoa phụ sản bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi

lại thiếu bác sĩ trầm trọng. Hiện mỗi ngày có trung bình 300 bệnh nhân sản phụ khoa các loại, trong đó có 80 sản phụ nhập viện mới. Thế nhưng, khoa chỉ có 14 bác sĩ và mỗi ca trực chỉ có hai bác sĩ mà thôi.

 

Theo ông Thanh, rất khó giải quyết chu đáo cho sản phụ và người nhà sản phụ, vì đội ngũ cán bộ, nhân viên của khoa hầu như ngày nào cũng làm việc hết công suất. Trong khi đó, thiết bị, giường nằm cho bệnh nhân rất thiếu thốn. Đặc biệt là trong ngày tết, mỗi ca trực của các y, bác sĩ ở đây phải làm việc tăng gấp hai lần so với ngày thường.

 

Bác sĩ Thanh nói người nhà và sản phụ hãy “thông cảm cho đội ngũ y, bác sĩ của khoa phụ sản. Lâu nay ai cũng chỉ thấy cái xấu, chứ cái tốt cán bộ, nhân viên ở đây làm được lại chẳng ai biết, chẳng hạn các ca đẻ khó, sinh non, động thai... tưởng chừng con (hoặc mẹ) không sống được, thế nhưng y, bác sĩ ở đây đã tận tình cứu được tròn mẹ, vuông con”.

 

Hiện nay nhiều sản phụ ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã ra bệnh viện Trung ương Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) để sinh nở. Nguyên nhân không phải bệnh viện “ngoài tỉnh” này chuyên môn giỏi hơn, đầy đủ trang thiết bị và vệ sinh sạch sẽ hơn, mà là vì bệnh nhân và người nhà rất hài lòng với thái độ hành xử của các y, bác sĩ ở bệnh viện Trung ương Núi Thành.

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị