Tai biến sặc sữa ở trẻ sơ sinh

Sặc sữa có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhũ nhi. Tai biến này thường gặp ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.

Một số gia đình mua phải núm vú cao su có lỗ thông quá rộng; sữa chảy nhiều, chảy mạnh khiến trẻ không nuốt kịp gây sặc.

Với những trẻ 3-4 tháng tuổi, bắt đầu biết tiếp xúc với những người xung quanh, tai nạn sặc sữa vẫn còn xảy ra, nguyên nhân là do các bà mẹ vừa cho con bú vừa nói chuyện với trẻ, trẻ mải hóng chuyện có thể ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt. Lúc thích chí trẻ cười, có thể gây sặc.

 

Khi trẻ bú, nếu để trẻ gập cổ quá sẽ gây khó nuốt, hoặc ngửa cổ quá dễ bị sặc. Khi trẻ ho khóc, phải ngừng ngay không cho bú nữa.

 

Một số trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ, điều này rất nguy hiểm vì khi đó sữa vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt, khi thở mạnh có thể hít sữa lên mũi, gây tắc đường hô hấp.

 

Một số trẻ không chịu bú bình, các bà mẹ dùng thìa hoặc chén đổ sữa vào miệng để ép uống khiến trẻ không nuốt kịp, dễ bị sặc.

 

Với những trẻ bú mẹ thì tai biến sặc sữa hiếm gặp, có thể gặp trong trường hợp mẹ nhiều sữa mà con lại yếu nên sức ăn kém không nuốt kịp, sữa xuống nhiều gây sặc. Hoặc ban đêm mẹ vừa nằm ngủ vừa cho con bú, cho trẻ ngậm vú để khỏi khóc có thể làm trẻ sặc.

 

Xử trí ra sao?

 

Cần biết rằng khi trẻ bị sặc là sữa đã vào khí quản làm tắc nghẽn đường hô hấp. Điều đầu tiên là phải làm cho sữa thoát ra khỏi đường hô hấp. Cách nhanh nhất, đơn giản nhất có thể làm ngay là dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Nếu để chậm, sữa sẽ vào sâu trong khí quản, khó hút ra. Trẻ bị tắc thở lâu, khả năng cứu càng khó khăn, khi hút xong nên kích thích mạnh để trẻ khóc và thở được, sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

 

Để phòng tai biến sặc sữa, các bậc cha mẹ và người chăm sóc nên có sự quan tâm chu đáo với trẻ, vì chỉ một sơ suất nhỏ có thể để lại những hậu quả lớn. Bình pha sữa của trẻ phải tiệt trùng bằng cách luộc kỹ, đảm bảo vệ sinh khi pha sữa, lỗ thông đầu vú không nên đục quá rộng, tốt nhất đục 1-2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú.

 

Khi trẻ bú, nên nghiêng chai sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn. Khi cho con bú, người mẹ cần chú ý xem sữa có xuống nhiều quá không, trẻ có nuốt kịp không? Phải cho trẻ bú từ từ, không nên vội vàng, nhất là đối với những trẻ yếu, sinh non tháng.

 

Với những trẻ 3-4 tháng tuổi, khi cho con ăn, các bà mẹ không nên nói chuyện, đùa giỡn với con. Khi cho bú, nên để trẻ nằm cao đầu, ở tư thế thoải mái. Với những trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ, người mẹ cần luôn kích thích để thức khi bú.

 

Khi phải dùng thìa đổ sữa vào miệng trẻ, cần đổ từ từ, khi trẻ nuốt hết mới đổ thìa khác, không vội vàng, tránh đổ tràn cả vào mũi trẻ.

 

Chỉ cho trẻ ăn khi trẻ hoàn toàn tỉnh táo, không quấy khóc, không giẫy đạp, nếu đang ăn mà trẻ có hiện tượng khác thường phải dừng ngay, không cố ép.

 

Với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà trẻ chưa nuốt kịp, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.

 

Ban đêm muốn cho trẻ ăn, bà mẹ nên ngồi dậy ngay ngắn, bế trẻ lên bằng hai tay đặt trẻ ở tư thế thoải mái, lúc đó mới bắt đầu cho trẻ bú.

 

Theo Sức khỏe & Đời sống